Trần Đăng Chí
12/12/2007

Nói về Lê Hựu Hà tức là cũng nói về một phần của đời tôi. Quen biết Hà, được Hà dạy đánh đàn guitar, chơi nhạc với nhau trong thời kỳ phôi thai của nền nhạc trẻ Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 60 khi Hà và tôi khai sinh ra ban nhạc Hải Âu.


Ban Hải Âu, thành phần đầu tiên 1965, trong một buổi trình diễn tất niên tại một lớp học của trường Văn Học nằm trên đường Phan Thanh Giản. Từ trái sang phải: Lê Hựu Hà (vocal, lead guitar), Huỳnh Bá Thảo (drums), Trần Đăng Chí (rhythm guitar).

Rồi khoảng năm năm sau đó mỗi người chúng tôi đi theo một hướng khác nhau tuy vẫn giữ liên lạc mật thiết, ngoại trừ thời kỳ Chiều Tím mà tôi sẽ kể sau, Hà tiếp tục con đường nhạc trẻ và sáng tác còn tôi thì chuyễn qua nhà nghề theo các đàn anh chơi nhạc ở các vũ trường cho đến khi tôi rời Việt Nam đi Mỹ vào tháng 4 năm 1975. Hà ở lại quê hương. Sau đó, thỉnh thoảng tôi có nhận được thư của Hà thăm hỏi.

Đời sống ở Mỹ đi làm phải lái xe cả tiếng đồng hồ nên khi nghe những bài hát qua đài phát thanh như: "Love Letters", "Rock And Roll Music", "Roll Over Beethoven", "When A Man Loves A Woman", "Yesterday", và nhất là những bài hát của Herman's Hermits "I'm Into Something Good", "Listen People" ... là nhớ đến Hà thật nhiều vì đó là những bài ruột của Hà khi chúng tôi cùng chơi nhạc trong các clubs Mỹ ở Sài Gòn, Long Bình, Bình Lợi, Phú Lợi...vào những năm 65, 66, 67. Ban Hải Âu là ban nhạc trẻ duy nhất thời đó có tên Việt Nam nên khi đi làm club Mỹ chúng tôi đổi ra là 'The Seagulls' tiếng Anh cũng có nghĩa là hải âu cho thuận tiện. Hà và tôi thuộc rất nhiều bài, nhất là Hà, thuở đó hai chúng tôi có thể hát từ tối đến sáng vẫn còn đủ bài, đó là nói về hát thuộc lòng không cần xem bài.

Cuối năm 1994, tức là 19 năm sau, tôi có dịp về thăm quê hương. Buổi gặp lại Hà sau bao nhiêu năm xa cách thật xúc động. Thế rồi một năm sau 1995, tôi có dịp về Sài Gòn làm việc lâu dài, hai anh em đã có thật nhiều buổi tâm tình mà đề tài chính vẫn là âm nhạc.


Gặp lại Lê Hựu Hà (bên phải) tại nhà hàng Givral đại lộ Lê Lợi trong chuyến về thăm quê hương lần thứ hai năm 1995.

Lê Hựu Hà sinh tại Sài Gòn ngày 5 tháng 6 năm 1946, cùng năm sinh với tôi, trong một gia đình sùng kính Phật giáo, pháp danh của anh là Đồng Thành. Hà là con trai thứ, có một người anh hiện ở Canada, một người em trai và một người em gái còn ở Việt Nam. Hà còn có một người em gái kế nhưng đã mất từ lúc còn sơ sinh. Cha anh là một người rất trầm lặng, bao nhiêu lần tôi đến nhà Hà nhưng rất hiếm khi được dịp tiếp xúc với cha của anh. Bù lại, tôi đã có rất nhiều dịp nói chuyện với mẹ của anh, một người phụ nữ hoạt bát có vựa thủy hải sản nên bạn bè chúng tôi hay có dịp thưởng thức món chem chép có râu ria banh ra y hệt như cái ... mà giới bình dân họ gọi là con "l.. tiên".

Từ khi tôi quen biết Hà vào đầu thập niên 60 cho đến khi Hà ra đi vĩnh viễn vào năm 2003, Hà vẫn cư ngụ tại ngôi nhà của cha mẹ anh để lại trên đường Huỳnh Quang Tiên gần góc đường Trần Hưng Đạo. Nghe Hà kể thì thuở còn thơ ấu, Hà lớn lên ở một vùng quê thuộc ngoại ô Biên Hòa, nơi đó có tên là Bến Cá chỉ cách vùng trồng bưởi nổi tiếng Tân Triều một con kinh. Hà được an táng nơi quê quán nên khi thăm mộ Hà, bạn bè thân thuộc có thể ghé qua thưởng thức bưởi tại một quán vườn yên tỉnh ở vùng Tân Triều cách đó không bao xa. Hà cũng cho biết, trong một thời gian tương đối ngắn, anh đã bị cha anh đày xuống vùng Ngả Ba Lộ Tẻ Cần Thơ/Rạch Giá gần Long Xuyên (nên nhớ còn có một Ngả Ba Lộ Tẻ Tri Tôn/Châu Đốc nằm ở phía bắc Long Xuyên) để tránh nơi chốn phồn hoa đô hội hầu học hành chăm chỉ hơn. Cũng nhở đã ở vùng đó nên Hà hay nhắc đến món cơm tấm Long Xuyên mỗi lần chúng tôi bàn luận về ăn uống. Khi được trở về Sài Gòn, Hà theo học trường Nguyễn Bá Tòng và tôi đã quen Hà trong thời kỳ này. Lên đại học, Hà ghi tên vào trường Văn Khoa, nghe nói ở đó có Hoàng Oanh, Thanh Lan, và Đức Huy theo học. Sau Tết Mậu Thân, Hà nhập ngũ và được huấn luyện ở trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra tường, Hà được chuyển về phục vụ tại Cục Quân Nhu Gò Vấp, nới đó có tay bass guitar Khiêm (ex Taberd, Les Fanatiques) chơi nhạc trong ban văn nghệ của đơn vị. Có lẽ cũng vì lý do đó mà Hà đã mời Khiêm vào ban Phượng Hoàng năm 1971 cùng với Trung Vinh (ex Taberd, ban văn nghệ Nhảy Dù). Một thời gian sau, Hà được giải ngũ vì mắt kém hay gì đó, lúc đó Hà đang mang cấp bậc Thiếu Úy. Rồi Hà đi làm cho một ngân hàng. Từ đó tôi rất ít khi có dịp gặp Hà vì sinh hoạt của tôi rất bận rộn: buổi sáng vào đơn vị Quân Cụ, đi học ở trường Luật, buổi tối đánh đàn ở vũ trường Bách Hỷ. Thỉnh thoảng, vào những dịp lể lớn như Giáng Sinh, giao thừa...tôi chạy tìm gặp Hà sau khi tan vũ trường ra. Tôi còn nhớ một đêm cuối năm 1974, tôi có đến xem Hà chơi nhạc tại một quán nhỏ trên đường Cách Mạng, Hà vẫn đeo đuổi chơi nhạc trẻ trong khi tôi thì đã theo mấy đàn anh chơi toàn nhạc già! Có lẽ đó là lần cuối cùng tôi gặp Hà trước khi rời khỏi Việt Nam chỉ mấy tháng sau đó.

Theo ước lượng thì Lê Hựu Hà đã sáng tác khá nhiều trên dưới 50 bài trong đó có:
"Yêu Em", đây là sáng tác đầu tiên của Hà do chính Hà trình bày trong dịp ban Hải Âu trình diễn tại Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd tháng 11 năm 1965. Ngay từ những năm đầu sơ khai của nền nhạc trẻ Việt Nam, Hà đã có ý tưởng đi theo đường hướng đem lại một hình thái mới lạ cho nhạc Việt Nam, ở vào thời kỳ đó và cả về sau nữa, luôn rập theo khuôn mẫu các thể điệu paso doble, boston, valse, tango, rhumba, bolero, cha cha, slow, swing... Ngay cả cái tên 'Hải Âu' là cũng do Hà đặt ra và tôi đã hoàn toàn đồng ý với Hà. Nếu không có Hà thì chắc chắn tôi cũng đã yêu cầu lấy một cái tên tây phương như tất cả các ban nhạc trẻ khác thời bấy giờ.
"Mai Hương", sáng tác thứ hai của Lê Hựu Hà được trình làng và cũng do chính Hà trình bày khi ban Hải Âu tái xuất hiện trong kỳ Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd lần thứ nhì tháng 11 năm 1966. Trong lần ra quân năm trước ban Hải Âu, ban nhạc với cái tên Việt duy nhất và đã trình bày một bản nhạc Việt do Hà sáng tác, vẫn chưa gây được tiếng vang mạnh mẻ. Lần này thì ban Hải Âu đá được chú ý rất nhiều, thể hiện qua bài tường trình của Danny Thịnh trên tuần san 'Màn Ảnh' số 97 năm 1966:

"Ban nhạc độc nhất mang tên Việt trong số những ban nhạc góp mặt trong đại hội là ban 'Hải Âu'. Toàn ban vẫn thực thi đúng chính sách "Ta về ta tắm ao ta" bằng cách liên tiếp trình bày hòa ca hai bản nhạc mang tên Việt: "Nhớ Thương Em Hoài" (phỏng dịch lời ca "All My Loving") và "Mai Hương", một ca khúc thuần nhất lời Việt do chính ban 'Hải Âu' tự soạn để trình bày. Tiếng vỗ tay cổ võ của lớp khán giả rầm rộ đã khích lệ ban 'Hải Âu' một cách thật đặc biệt về lối diễn tả lời ca và đặt nặng vấn đề dân tộc lên trên hết. Để "đáp lại tấm tấm thịnh tình" của khán giả, ban 'Hải Âu' liều "phá giới" bằng cách trình bày một bản nhạc thật mới mẻ có cái tên ngoại quốc "I'm Henry VIII, I am", làm ngơ ngẩn các ban nhạc bạn, vì ít khi có ban nào tập sớm được một ca khúc đứng nhất liền mấy tuần lể ở Hoa Kỳ (do Herman's Hermits ca) trong thời gian gần đây nhất."

Và để đúc kết phần phê bình các ban nhạc đã tham dự đại hội, có ban nổi bật nhưng cũng có ban quá kém cỏi, Danny Thịnh viết thêm:

"Ban 'Hải Âu' rất đáng khen vì họ có tinh thần cầu tiến và có một đường lối riêng biệt tách rời khỏi nhiều ban nhạc trẻ đương thời."


Ban Hải Âu, thành phần thay đổi, trong thời kỳ sau, lúc chơi nhạc ở các clubs Mỹ và Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd 1966. Từ trái sang phải: Trần Đăng Chi (vocal, rhythm guitar), Lê Hựu Hà (vocal, lead guitar), Phạm Ngọc Thành (drums), Trần Thanh Tùng (bass guitar) (ảnh: Phạm Ngọc Hà).

"Chiều Về", không hiểu sao lần này khi ban Hải Âu trình diễn tại rạp Đại Nam, Hà lại giao cho tôi trình bày toàn phần bài hát và Hà chỉ ca phụ những đoạn có ca bè. Tôi nhớ lại phần lớn có lẽ Hà muốn cho tiếng đàn guitar của Hà reo vang nổi bật theo lối chơi của 'The Byrds', ngay cả chính tôi, Hà cũng bảo không cần đệm đàn mà chỉ lắc tambourine.

Khi tôi về chơi nhạc cho phòng trà 'Chiều Tím' trên đường Võ Tánh vào năm 1970 thì có kéo Hà về làm chung. Trong thời gian chơi nhạc tại đây, Hà vừa hoàn tất bài "Tôi Muốn" và muốn dùng bài này làm bàn đạp để đưa những sáng tác khác của Hà lên theo. Tôi nhận thấy bài "Tôi Muốn" rất dễ nghe cộng thêm tình bằng hữu thấm thiết nên đã tận tình giúp Hà. Nhưng sức người có hạn, Hà và tôi đều không được trời cho sở trường về ca hát nên không đi đến đâu mặc dầu Hà đã tính toán lối phát triển khá hợp lý như dùng phòng trà Chiều Tím để cho khán giả quen dần với những nhạc phẩm mới mẻ trẻ trung chưa từng được nghe bao giờ do Hà sáng tác, kèm theo những nhạc phẩm nổi tiếng đương thời do Hà biên soạn lại phần hòa âm nghe rất trẻ như: "Mưa Hồng" (Trịnh Công Sơn), "Tiếng Sáo Thiên Thai" (Phạm Duy), "Tình Khúc Cho Em" (Lê Uyên Phương), "Thương Tình Ca " (Phạm Duy). Được sự đồng thuận của tay trống trưởng ban nhạc Xuân Bé (ban văn nghệ Không Quân) nên mỗi đêm chúng tôi chơi nhạc của Lê Hựu Hà sáng tác cùng với những bài khác do Hà biên soạn phần hòa âm như tôi vừa nói. Nhận thấy khán giả vẫn chưa hưởng ứng nhiều với loại nhạc còn quá mới mẻ này và với những giọng ca còn chưa chuẩn của Hà và tôi, ca tiếng Anh thì không sao nhưng qua tiếng Việt thì chúng tôi đúng là hơi lạc lõng. Vì thế Hà và tôi bàn với nhau phải tìm cho được một giọng ca miền Bắc để hát cho chuẩn. Sau cùng, chúng tôi đã chọn và mời được Nguyễn Ngọc Hải (tay lead guitar của ban Les Faucons Noirs đã từng chơi nhạc với tôi một thời ở Lai Khê năm 1967) đến hát bài "Tôi Muốn" của Hà mỗi đêm ở phòng trà Chiều Tím. Khán giả lúc đó bắt đầu quen dần với nhạc của Hà và chính tôi cũng nhận thấy sự tiến bộ rất khả quan khi trình diễn.

Rồi phòng trà Chiều Tím bị đóng cửa.

Tôi sang làm cho một vũ trường. Còn Hà quay sang tìm hướng khác để đưa những đứa con âm nhạc của Hà đến với khán giả trẻ Việt Nam. Trong giai đoạn này, Hà đã gặp Nguyễn Trung Cang rồi họ thành lập ban 'Phượng Hoàng' (Hà: lead guitar/vocal, Cang: keyboard/vocal, Khiêm: bass, Vinh: drums) với Hoài Khanh là ca sĩ nam và Mai Hoa ca sĩ nữ trình diễn ở phòng trà 'Đêm Màu Hồng' nằm trên đường Nguyễn Huệ. Tôi có đến đó nghe một lần và nhận thấy Hà đã tìm được đúng hướng đi mong muốn. Một thời gian sau, tôi không thấy Hoài Khanh và Mai Hoa hát với Phượng Hoàng nữa. Rồi thấy Phượng Hoàng được ráp với Elvis Phương, một ca sĩ đã nổi tiếng. Từ đó tên tuổi Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Phượng Hoàng, Elvis Phương đi vào lịch sử của nhạc trẻ Việt Nam như mọi người đã biết.

Trong thời kỳ Phượng Hoàng, Hà đã cho phổ biến những nhạc phẩm để đời như:

"Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời"

"Hãy Nhìn Xuống Chân"

"Hãy Vui Lên Bạn Ơi"

"Huyền Thoại Người Con Gái"

"Lời Người Điên"

"Phiên Khúc Mùa Đông"

"Yêu Người Và Yêu Đời".

Trong thời kỳ hậu Phượng Hoàng:

"Chờ Một Tiếng Yêu"

"Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào" - Được biết bài này Lê Hựu Hà đã viết trước năm 1975 với một cái tựa và lời khác. Về sau này, Hà đã viết lời và đề tựa lại. Hà có cho tôi biết đây là bài duy nhất Hà viết cho phái nữ. Theo lời Tùng Giang kể lại thì Giang đã gặp Hà ở Sài Gòn vào thời mới mở cửa rồi được Hà giao cho bài này đem về Mỹ để cho Khánh Hà hát. Vào thời điểm đó, bài này đã được thính giả trong nước cũng như hải ngoại đón nhận niềm nở, đi đâu tôi cũng thấy bà con nghe và hát bài này. Tuy nhiên, có một dư luận đã cho là Lê Hựu Hà không hoàn toàn viết bài này mà có thêm cả Nguyễn Trung Cang hay sao đó. Đã từng quen biết và sinh hoạt với Hà lúc còn hàn vi và biết rất rỏ con người của Hà, tôi không tin dư luận và đã có lần hỏi Hà về chuyện này. Hà có cho tôi biết sự việc đã xảy ra như thế nào và tôi tin Hà hoàn toàn. Bây giờ thì cả Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã ra đi. Tôi có đọc được một bài báo phỏng vấn Lê Hựu Hà và trong đó Hà trả lời:

"Trước năm 1975, Jo Marcel (tên thật là Vũ Ngọc Tòng, sinh tại Hà Nội, cựu học sinh Taberd) là một trong những người khai thác vũ trường thành công nhất như các vũ trường Đêm Màu Hồng, Ritz, Queen Bee... Jo cũng thành công ở lĩnh vực ca hát nhờ có giọng trầm ấm, cùng bạn bè thực hiện được 2 cuốm phim ca nhạc 'Thế giới nhạc trẻ' và 'Vết chân hoang' (dựa trên tiểu thuyết phóng sự 'Tuổi choai choai' của Trường Kỳ) có nhờ tôi viết ca khúc cho nhạc phim 'Vết chân hoang'. Khi hoàn thành, hát cho Nguyễn Trung Cang nghe, anh đề nghị sửa một số chỗ ở điệp khúc. Sau đó, giao cho Jo, nhưng vì thù lao quá bèo nên tôi lấy lại (hơi bất ngờ là ca khúc nhạc phim của Jo lại giống với ca khúc tôi đã viết trước đó). Năm 1981, gặp Giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Hải Phòng khuyên nên tiếp tục sáng tác, tôi viết 'Vào Hạ'; ông lại hỏi còn hết, tôi bèn lấy 'Vết chân hoang' viết lời mới lại và trở thành 'Hãy yêu như chưa yêu lần nào'. Nội dung bài trước là viết về chuyện cô gái bất mãn bà mẹ kế bỏ nhà ra đi, sau đoàn tụ với gia đình; còn nội dung sau như các bạn đã biết. Chuyện là thế! Cứ hiểu như thế đi. (Hà hà!)" - Tạp chí Thanh Niên số 19 (2219) Thứ bảy 19-1-2002.

"Lời Trái Tim Muốn Nói" - Được biết bài này Lê Hựu Hà sáng tác vào khoảng 1983-1984 và phải mất một năm trời tu chỉnh mới hoàn tất. Tựa nguyên thủy là "Hát Về Cuộc Sống Hôm Nay Và Ngày Mai". Bài hát nói lên hy vọng, niềm tin vào một ngày mai sáng sủa hơn là hiện tại quá đau khổ "cuộc đời không riêng chỉ khổ đau", "những tháng năm không có ngày vui".

"Ngỡ Đâu Tình Đã Quên Mình"

"Vào Hạ" - Qua báo chí, Lê Hựu Hà cho biết đã viết bài này sau một chuyến lưu diễn ở Hải Phòng đúng vào mùa hoa phượng đang nở rộ. Khi về đến Sài Gòn, những ký ức về thành phố hoa phượng đã đem lại nguồn cảm hứng và Hà đã viết bài này với một nội dung lúc nào cũng khuyên mọi người hãy vui sống dù hoàn cảnh hiện tại có khó khăn đến thế nào.

"Vị Ngọt Đôi Môi".

Hà đã đặt lời Việt cho khoảng 100 ca khúc ngoại quốc, nổi tiếng nhất là "Đồng Xanh" ("Greenfields").

Ngoài ra, còn có nhiều bài hát khác mà Hà chưa cho phổ biến hiện vẫn còn nằm trong tủ theo lời ngưởi em gái của Hà cho biết.

Có một bài mà tôi có thể quả quyết là Hà không bao giờ cho phổ biến. Đó là bài "Mai Này". Lời ca như sau:

"Mai này, anh xin em hãy nhớ,
Mai này, xin em hãy nhớ đến anh.
Mai đây, dù có ghét anh,
xin em cứ hãy giả vờ,
để anh ngờ rằng,
để anh tưởng rằng
trên đời còn có một bgười yêu anh."

Thông thường thì mối tình đầu chẳng bao giờ đi đến đâu cả. Bài hát này, Hà viết riêng tặng cho tôi vào năm 1966 lúc tôi vẫn còn đang vui vẻ với T. Mai, mối tình đầu của tôi. Tôi không hề buồn phiền vì nội dung bài hát nói về xa cách, dang dỡ. Trái lại, tôi còn thấy ấm lòng vì có được một một người bạn chí thân đã nghĩ đến bạn bè một cách chân tình như thế. Tôi cũng đã có dịp ôm đàn hát cho T. Mai nghe bài này và đã như thế đó, tan vỡ vẫn cứ đến như thường. Nói theo người Mỹ, sự việc đã "set the tone" cho suốt cả những mối tình của tôi về sau này nên tình chia ly đối với tôi quá bình thường.

Lúc Hà còn sống, tôi đã từng có ý định làm một cái gì đó, CD, video..., để cho khắp thế giới biết thêm về Hà và nếu đưa nhạc của Hà vào được quỷ đạo của nền âm nhạc Mỹ thì đó là một giấc mơ tuyệt vời nhất. Việc này không có nghĩa là không thực hiện được nhưng cá nhân tôi lại có những projects riêng của mình nên vẫn chưa có dịp thực hiện ý định về Hà mặc dầu có nhiều lần tôi yêu cầu Hà ngồi yên để tôi chụp hình chân dung của Hà và Hà cũng đã đồng ý cho tôi hoàn toàn xữ dụng những sáng tác của Hà theo chiều hướng tôi đã nói.

Hà đột ngột ra đi vào ngày 9 tháng 5 năm 2003 lúc Hà mới vừa nhận được giấy báo của chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho anh sang California đoàn tụ với các con và Mai Hương, người vợ đầu tiên của anh.

Phần tôi thì lúc nào cũng lanh quanh với quá nhiều projects cộng với lối sống phiêu bạt đây đó.

Nhưng bây giờ thì đã đến lúc phải nói về Lê Hựu Hà vì có một số bạn bè yêu cầu tôi làm một cái gì đó để cho đời biết thật nhiều về Lê Hựu Hà trong khi Internet quá thiếu sót thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của một nhạc sĩ có tính tình hiền hậu gần như có một không hai. Một điểm thuận lợi khác là với kỹ thuật thông tin hiện đại qua Internet, mọi tài liệu và hình ảnh đều có thể chuyển tải đến hàng triệu người xem một cách thật dễ dàng, điều mà chỉ mới cách đây hơn mười năm không ai nghĩ là có thể thực hiện được.

Vậy thì với những phương tiện trong tầm tay có được, tôi xin đóng góp bằng trang blog này để tôn vinh những lời ca ý nhạc cao đẹp mà Lê Hựu Hà đã bỏ ra cả đời để đi tiên phong khai phá.


Lê Hựu Hà và Elvis Phương trên sân khấu phòng trà 'Em & Tôi' trong đêm nhạc Lê Hựu Hà / 'Chờ Một Tiếng Yêu', 9 tháng 8, năm 2002. Kể từ ngày này, Hà còn sống đúng 9 tháng.


Lê Hựu Hà, Elvis Phương và Lý Được trên sân khấu phòng trà 'Em & Tôi' trong đêm nhạc Lê Hựu Hà / 'Chờ Một Tiếng Yêu'.


Buổi liên hoan do thân hữu Lê Hữu Hạnh khoản đải tại phòng trà Bodega góc đường Ngô Đức Kế, 8 tháng 11, 2002. Từ trái sang phải: Đắc Lân, Lê Hựu Hà, Trịnh Nam Sơn.


Nhà hàng ca nhạc Uyên Nguyên trên đường Trương Định, nơi chơi nhạc cuối cùng của Lê Hựu Hà. Bảng hiệu Uyên Nguyên là do Lê Hựu Hà chọn cho chủ nhân. Từ trái sang phải: Lê Hựu Hà (vocal, harmonica, rhythm guitar), Thanh Tùng (ex The Black Stones, vocal), Tài ngò (ex The Outsiders, vocal, lead guitar).


Ngôi mộ của Lê Hựu Hà tọa lạc ở vùng Bến Cá, ngoại ô Biên Hòa, nơi Hà đã sinh sống trong một một khoảng đời thơ ấu.


Văn nghệ bỏ túi sau buổi lễ cầu siêu 49 ngày cho Lê Lựu Hà được tổ chức tại chùa Phật Giáo trên đường Magnolia, Garden Grove, California ngày 21 tháng 6 năm 2003. Hôm đó có sự góp mặt của một số ca nhạc sĩ đã từng cộng tác với Lê Hựu Hà. Từ trái qua phải: Ngọc Thành (Hải Âu), Jimmy Tòng, Đăng Chí (Hải Âu), Mạnh Hà Vopco, Trung Nghĩa, Michael Hoàng Long, Elvis Phương (Phượng Hoàng), Tuấn Dũng (Mây Trắng), Thanh Tùng (Hải Âu). Mai Hương, người vợ đầu tiên của Lê Hựu Hà, cũng từ San Jose về tham dự buổi lễ.

Ở Việt Nam, đi đến đâu cũng có dịp nghe nhạc của Lê Hựu Hà, lúc thì từ đài phát thanh, lúc thì từ một máy hát CD nào đó. Ớ Hoa Kỳ, mỗi khi lái xe thì nghe đài FM hát rất nhiều bài nhạc mà khi xưa Hà đã dạy để tôi hát bè cùng với Hà. Những kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên.



















Trần Đăng Chí

Nguồn: http://trandangchi.blogspot.com/2007/12/l-hu-ha.html