Lê Phước
1.8.2012

Trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 90 năm của sân khấu cải lương, có một nghệ sĩ có đến 70 năm cống hiến với những thành công rực rỡ trong cả hai lĩnh vực : đàn và sáng tác lời vọng cổ. Ông cũng chính là người góp phần to lớn cho thành công của đại đa số nghệ sĩ cải lương thời hoàng kim. Đó chính là soạn giả Viễn Châu - danh cầm Bảy Bá.



Soạn giả Viễn Châu
Soạn giả Viễn Châu

Đệ nhất thập lục huyền cầm

Nhắc đến ông, trước tiên là nhắc đến người được mệnh danh "Đệ nhất thập lục huyền cầm" Bảy Bá. Trong những năm 1960, thời vàng son của sân khấu cải lương, có một bộ ba đờn cổ nhạc được mệnh danh là "Tam hùng" bao gồm : Năm Cơ đàn sến, Văn Vĩ đàn guitar phím lõm và Bảy Bá đàn tranh. Đến hiện tại, chưa thấy có tay đờn nào vượt qua được bộ ba kiệt xuất này.

Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21/10/1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Trong gia đình ông là người con thứ Sáu, nên ông lấy nghệ danh Bảy Bá đúng theo cách gọi của người miền Nam.

Năm 12 tuổi ông đã thành thạo đàn tranh và đàn guitar phím lõm. Tuy nhiên ngón đàn tranh của ông đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và người mộ điệu. Một ngón đờn mượt mà qua từng âm thanh đầy gợi cảm, lúc thì du dương, lúc thì róc rách như tiếng của dòng suối thì thầm, lúc véo von như tiếng sơn ca, lúc thì trầm lắng như tiếng lòng người mang nhiều tâm sự.

Ông đã có công khai phá nhiều lối chơi, tạo thêm nhiều bài học kinh nghiệm cho dàn nhạc cổ trong sinh hoạt đờn ca tài tử và sân khấu cải lương chuyên nghiệp của Nam Bộ.

Soạn giả Kiên Giang từng ca ngợi: "Ngón đờn tranh điêu luyện của anh Bảy Bá như rót vào hồn bài vọng cổ những rung động con tim của người nghệ sĩ đã có nhiều vốn sống".

Ông vua viết lời vọng cổ

Đến hiện tại, sân khấu cải lương biết đến một số ít các ông vua: Vua ca vọng cổ Út Trà Ôn, Vua ca vọng cổ hài Văn Hường, Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài. Thế nhưng, người góp phần quan trọng đưa các vị vua nói trên lên ngôi báu chính là Viễn Châu, người được mệnh danh là "Vua viết lời vọng cổ".

Nghệ danh Viễn Châu có từ năm 1950, khi ông viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng". Từ "Viễn Châu" hàm ý chữ đầu của "Viễn xứ", cộng với chữ cuối trong tên xã Đôn Châu quê hương ông, một cách để ông nhớ về quê hương nguồn cội.

Bảy mươi năm tay viết tay đàn, ông đã sang tác gần 70 vở cải lương lớn nhỏ. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều nhất với tài viết lời vọng cổ với hơn 2000 bài, lập kỷ lục trong làng sân khấu cải lương.

Những sáng tác theo kiểu "đo ni đóng giày" của ông đã góp phần làm nên nhiều tên tuổi: Tình anh bán chiếu-Út Trà Ôn, Hoa lan trắng-Út Bạch Lan, Áo tình đắp mộ người yêu-Ngọc Giàu, Tiếng trống tàn canh-Thành Được, Bạch Thu Hà -Lệ Thủy, Tu là cội phúc- Minh Cảnh, Lắng tiếng chuông ngân-Thanh Nga, Hòn vọng phu-Mỹ Châu, Hận Kinh Kha- Tấn Tài, Lòng dạ đàn bà-Minh Vương....

Nghệ sĩ Ngọc Giàu khẳng định: "Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim. Hồi mới 12-13 tuổi ông đã viết cho tôi bài Áo tình đắp mộ người yêu để tôi thu dĩa và nổi tiếng từ đấy. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy đo ni đóng giày...".

Ông tổ của Tân Cổ giao duyên

Ông được xem là người tiên phong kết hợp tân nhạc với cổ nhạc thành ra một thể loại vọng cổ mới mà ông đặt tên là "Tân cổ giao duyên". Số là vào năm 1958, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, nhờ biết chơi đàn guitar và đàn tranh, ông đã đem bài tân nhạc Chàng là ai ? của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết hòa với bài vọng cổ. Ông mạnh dạn bỏ hai câu 3 và 4 vì dễ bị trùng lắp, để đưa tân nhạc vào, tạo thành một bài tân cổ giao duyên hoàn chỉnh.

Sau đó đưa cho hãng đĩa thu âm và phát hành. Hãng đĩa Hồng Hoa phát hành đĩa tân cổ giao duyên với giọng ca Lệ Thủy, lập tức bài tân cổ giao duyên được đông đảo thính giả đón nhận. Dù bị báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đả kích kịch liệt, nhưng ông vẫn quyết tâm tiếp tục thể nghiệm. Kết quả là, thể loại tân cổ giao duyên đã thành công ngoài mong đợi, và đến hiện tại vẫn được người mộ điệu tiếp tục đón nhận.

Cha đẻ của Vọng cổ hài

Thường khi nói về vọng cổ, người ta nghĩ ngay đến một cái gì đó buồn thảm, bi ai. Thế mà, soạn giả Viễn Châu đã "lật ngược" một cách ngoạn mục lối suy nghĩ đó. Năm 1960, ông viết bài vọng cổ hài đầu tiên mang tên "Đêm tân hôn" cho danh hài Văn Hường ca.

Bài ca đã đưa Văn Hường đến với con đường chinh phục vọng cổ hài. Tiếp sau đó, ông viết một loạt các bài ca hài hước khác cho Văn Hường: Vợ tôi nói tiếng Tây, Tôi mến làng tôi, Sợ vợ, Chó mực đầu cáo, Lá sớ táo quân, Tề Thiên Đại Thánh.... Nhờ vào những bài "đo ni đóng giày của ông", Văn Hường đã đạt đến đỉnh cao vinh quang khi được mệnh danh là "Vua ca vọng cổ hài".

Biệt tài viết vọng cổ ngay tại phòng thu

Nói về cái tài viết vọng cổ, Viễn Châu là người có khả năng "xuất khẩu thành ... vọng cổ". Ông có thể cầm bút viết ngay tại phòng thu. Anh em trong nghề vẫn hay kể nhau nghe về hai bài hát viết chưa ráo mực đã được thu đĩa của ông.

Vào khoảng năm 1964, ngay tại phòng thu, ông được yêu cầu viết một bài vọng cổ để nghệ sĩ Hữu Phước ca thu đĩa tại chỗ. Tình thế cấp bách, ông nhận lời viết liền. Thế là khi mọi người đi rước hai nhạc sỹ Văn Vĩ và Năm Cơ tới, ông đã viết xong 3 câu đầu của bài vọng cổ "Nhớ mẹ". Hữu Phước vào phòng thu ca xong ba câu đó, thì Viễn Châu cũng vừa hoàn tất ba câu vọng cổ còn lại.

Một thời gian sau, cũng tại phòng thu, ông lại được yêu cầu viết ngay một bài cho nghệ sĩ Thanh Nhàn ca. Thế là ông viết liền bài "Trái khổ qua", lấy cảm hứng từ việc nhìn thấy một anh đầu bếp đi chợ mua về một thúng đồ ăn, trong đó có đựng mấy trái khổ qua.

Điều đáng chú ý là dù được viết vội vã, nhưng đây lại là hai bài vọng cổ thuộc hàng kiệt tác.

Nét đặc sắc trong phong cách Viễn Châu

Ông được mệnh danh là Vua viết lời vọng cổ không phải chỉ vì ông viết được đến hơn 2000 bài ca, mà còn vì ông đã tạo ra cho những bài vọng cổ của mình một phong cách rất riêng, "rất Viễn Châu". Sau đây là một vài nét nôi bật trong phong cách đó :

- Dễ ca, dễ nhớ: Do có lợi thế là thông thạo đàn tranh và đàn guitar phím lõm, Viễn Châu đã uốn lời bài hát một cách uyển chuyển, mượt mà với cách phân chữ rất "vô khuôn", nên rất dễ ca. Đặc biệt các bài vọng cổ của ông có bố cục rõ ràng, nói theo trong nghề là "không lan man", nên rất dễ nhớ. Có lẽ đó cũng chính là một yếu tố quan trọng khiến bài ca vọng cổ của Viễn Châu trở nên rất đại chúng.

- Một lượng kiến thức sâu rộng: Dù dễ ca dễ nhớ, nhưng các bài vọng cổ của Viễn Châu hàm chứa một lượng kiến thức rất sâu rộng. Ông đưa vào bài hát từ dân ca, tục ngữ đến các điển tích xa xưa, mà cái hay là ông đưa những kiến thức đó vào trong bài ca một cách "rất ngọt".

Chẳng hạn như trong bài vọng cổ "Hoa Đào năm ngoái" viết về mối tình của Thúy Kiều và Kim Trọng, ta tìm thấy hai câu thơ trứ danh của nhà thơ Đỗ Phủ :

"Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm"
(Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà)

Hay hai câu thơ bất hủ của Thôi Hộ:

"Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong"
(Người đẹp năm xưa đâu rồi nhỉ,
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông)

hoặc thơ của vua Tự Đức trong bài "Khóc Bằng Phi":

"Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi"

Và còn biết bao điển tích, thơ văn khác nữa....

- Một nhà thơ lớn: Trong nhiều bài vọng cổ của Viễn Châu, ta thấy có những bài thơ thuộc hàng kiệt tác, đủ để khẳng định rằng Viễn Châu cũng là một nhà thơ lớn. Chẳng hạn như bốn câu thơ nối lối trong bài vọng cổ "Gánh nước đêm trăng", kể về tâm sự của một anh nông dân nghèo phải đi làm ăn xa xứ, ba năm sau khi trở về thì người yêu gánh nước đêm trăng với mình thuở nào đã sang ngang:

"Năm tháng dãi dầu nơi đất khách
Nhớ em tôi trở lại quê nghèo
Đêm khuya vắng bóng người thôn nữ
Sương nhỏ trên cành lệ nhỏ theo"

Hay bốn câu nối lối trong bài "Xuân đất khách" (Tâm sự kẻ ly hương) viết về tâm sự của người xa xứ:

"Đất khách bơ vơ lạ bốn bề
Nên lòng cứ mãi nhớ thương quê
Màu xuân về nữa xuân về nữa
Tuyết trắng rơi nhiều dạ tái tê"

- Lối kết thúc bài hát rất dễ nhớ: Một nét đặc biệt nữa trong phong cách Viễn Châu, đó là đa số bài ca của ông đều được kết thúc bằng hai câu thơ lục bát, một lối kết thúc rất ngọt, rất trữ tình và rất dễ nhớ. Chẳng hạn như cuối bài vọng cổ "Lá Bàng Rơi", ông viết:

"Lá bàng rơi rụng về đâu
Lá thu rụng hết đoạn sầu còn đây".

Hay trong bài "Tình anh bán chiếu", hai câu kết cũng là hai câu thơ rất ngọt:

"Sông sâu bên lở bên bồi,
Tình anh bán chiếu trọn đời không phai."

Hoặc hai câu kết trong bài « Lá Trầu Xanh » :

« Mưa rơi lạnh buốt khung trời,
Anh phụ em rồi, em (còn) biết tin ai »

Hai câu kết trong bài « Lòng dạ đàn bà » cũng rất độc đáo :

« Cho hay trong đạo vợ chồng,
Biết ai chung thủy, ai lòng bạc đen"

Bí quyết sáng tác của Viễn Châu

Nói về bí quyết sáng tác của mình, nghệ sĩ Viễn Châu cho rằng, khi viết, không phải mực trào ra đầu ngòi bút mà đó là tim óc, trí não của ông đang đặt hết vào đầu bút để tuôn thành lời !

Thật vậy, để viết thành công, khi viết, người viết phải tạm quên mình đi và hóa thân vào nhân vật mình đang viết. Như vậy, Viễn Châu đã hóa thân thành công trong hàng ngàn vai diễn với hơn 2.000 bài vọng cổ và 70 vở cải lương. Viễn Châu thật sự là « Một soạn giả ngoại hạng», bởi trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu cải lương hơn 90 năm nay, rõ ràng chưa có một soạn giả cổ nhạc nào đạt được nhiều thành công rực rỡ như ông.

Viễn Châu được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1988. Năm 2012, ông được đặc cách phong Nghệ sĩ nhân dân cùng với ba cô học trò của mình: Ngọc Giàu, Bạch Tuyết và Lệ Thủy.


Lê Phước

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120801-vien-chau-soan-gia-ngoai-hang-cua-san-khau-cai-luong