Nguyễn Lệ Uyên
8.6.2008

Trong bài chòi được phân chia thành hai phần riêng biệt: Hô bài chòi và đánh bài chòi. Tuy nhiên hô hay đánh bài chòi thì cái nào xuất hiện trước, cái nào xuất hiện sau? Vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau và cũng từng gây nhiều tranh luận.

Theo chúng tôi, trong quá trình phát triển, khi các lưu dân trên đường xuôi nam, để giảm bớt nỗi nhọc nhằn đường xa thì không thể vừa đi vừa bày ra trò chơi, mà chỉ có thể xảy ra trong những lúc dừng chân nghỉ ngơi. Trong khi đó, họ có thể vừa đi vừa kể chuyện, hát hô. Nghĩa là hát hò hoàn toàn có khả năng tồn tại song song cùng một lúc với các thao tác lao động. Vì nếu không như thế, thì trong kho tàng dân ca Việt Nam sẽ không có những điệu hò giã gạo, hò cấy lúa, hò chèo thuyền.v.v. Các thao tác trong quá trình lao động đơn giản nhất sẽ giúp công việc đang thực hiện đạt hiệu quả cao một khi có những tác động âm thanh bên ngoài hay từ chính những người đang tham gia các thao tác đó mang đến. Rõ ràng điều này sẽ lý giải, có tính tương đối, rằng hô bài chòi xuất hiện trước đánh bài chòi. Mặt khác trong quá trình tồn tại và phát triển của bộ môn này, thì hô bài chòi có tính ngẫu hứng, chỉ cần một người cũng có thể tự nghĩ ra, tự sáng tác một điệu hát hô. Ngược lại, đánh bài chòi là môn giải trí mang tính tập thể, đòi hỏi phải có nhiều người tham gia, ở trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Trong khi hô hát thì có thể diễn ra bất kỳ nơi nào, một mình trên nương rẫy, trên chòi cao đang lúc canh giữ hoa màu hay năm bảy người trên đồng lúa nương dâu... để làm giảm nhẹ mệt nhọc do tác động của sức lao động cơ bắp.

Ngày nay, tại một số vùng như An Nhơn (Bình Định), Hòa Hiệp (Phú Yên), cùng một số địa phương chúng tôi có dịp ghé qua trong lúc điền dã, thỉnh thoảng vẫn được nghe những điệu hô bài chòi như vậy trong lúc họ đang cấy dặm, đan thúng, đan nia...

Sau đây là một câu hô bài chòi mà chúng tôi ghi lại được các cụ bà ở xã Hòa Phong (huyện Tuy Hòa, Phú Yên) ngồi hô khi chúng tôi đi điền dã sưu tập các câu hô, câu thai đánh bài chòi:

Anh về ở ngoãi chi lâu
(Để mà) chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng

Hai hàng nước mắt rưng rưng
Chàng xa, thiếp cách, dậm chưng... (mà) kêu trời

Điều thú vị là trong những điệu hô như vậy, ở mỗi vùng, mỗi miền lại có lối hô khác nhau, lời hô khác nhau. Ví dụ câu sau đây, cùng một nội dung, nhưng lại có nhiều dị bản khác nhau ở từng địa phương (cốt làm cho nó phù hợp với hoàn cảnh địa phương đó):

Hồi xa cách ngõ cũng xa
Hồi gần cách huyện cách nha cũng gần.

Thì ở vùng Quảng Nam đổi ra:

Rằng xa nửa bước cũng xa
Rằng gần Vĩnh Điện – La Qua cũng gần.

Còn ở Phú Yên thì biến thành:

Hồi xa cách vách cũng xa
Hồi gần Gò Duối – Hòa Đa cũng gần.

Một khi từ ngữ được người sử dụng tự do thay đổi mà không làm mất đi nội dung chính trong khi hô hát, thì công việc còn lại chỉ cốt yếu làm cho câu ca đó phù hợp với địa phương mình đang sinh sống mà thôi.

Tóm lại, chúng ta có thể khẳng định rằng: hô bài chòi xuất hiện trước khi có đánh bài chòi. Hô bài chòi gắn liền với sự giải trí của một người hoặc một nhóm ít người. Còn đánh bài chòi là cuộc giải trí của đám đông nhiều người, biến thành hội, hội đánh bài chòi. Nói cách khác trò chơi (đánh bài chòi) luôn ở trạng thái động trong khi ngôn ngữ, lời ca (hô bài chòi) luôn nằm trong trạng thái tĩnh.

PHẦN I: HÔ BÀI CHÒI

Trong quyển Cầm Ca Việt Nam (NXB Lá Bối, SG 1970), nhà văn Toan Ánh đã phân biệt hai lối ca hát. Một là lối ca hát của người bình dân. Hai là lối ca hát của giới trí thức. Từ hát dặm, hát ví, ca trù, hò Huế, hát xẩm, hát bộ đến hò chèo thuyền... đều bị ông liệt vào loại ca hát bình dân. Ông viết: " Những câu hát dùng trong các giọng bình dân phần lớn là những câu ca dao , nhưng khi đưa vào giọng hát đã hơi bị biến đổi trên hình thức tùy theo từng giọng. Những giọng bình dân có giọng hát trong lúc làm việc để con người đỡ mệt mỏi như hát đò đưa, hò tát nước, hò kéo gỗ.v.v. hoặc có tác dụng hẳn với việc làm như hát ru em. Bên những giọng hát trợ lực cho việc làm, có những giọng hát trao tình giữa trai gái, những giọng hát này riêng bọn nam nữ dùng đối đáp với nhau trong cuộc gặp gỡ khi làm việc, trong những đám hội hè hoặc trong những buổi hát thi hát đố".

Trở lại với hát hô bài chòi. Hát hay hô cũng đều có nghĩa như nhau, để chỉ cách biểu đạt một câu, một bài ca do một người hoặc nhiều người diễn đạt; khác nhau chăng là âm vực giữa hô và hát mà thôi. Vì vậy, xin lưu ý một điều là người bình dân trong khu vực nam Trung bộ không dùng từ ca bài chòi hay hát bài chòi mà thường dùng hô bài chòi .

Trong Việt Nam Từ Điển của Lê Văn Đức do nhà sách Khai Trí, SG xuất bản năm 1970 thì ca hát được định nghĩa như sau: "nói lên có giọng ngân nga, cao thấp, ngắn dài theo bài bản nhất định". Còn hô là: "gọi to lên, la lên". Trong Từ Điển Tiếng Việt của nhà xuất bản KHXH, HN in năm 1988 thì định nghĩa: " ca hát là điệu hát dân tộc cổ truyền ở một số địa phương trung Trung bộ, Nam bộ (ca Huế, ca vọng cổ)". Như vậy: hô bài chòi tức hát to lên để tất cả mọi người ở chung quanh mình có thể nghe rõ. Và những lời hô này đã từng gắn liền với những sinh hoạt của người bình dân nơi thôn dã, rừng núi khi những cư dân này đang lao động, nghỉ ngơi hay trên những chòi giữ hoa màu cách xa nhau, nên không thể dùng lới ca tiếng hát để giải trí, bày tỏ một điều gì đó mà chỉ có thể hô. Người ở chòi này hô cho người chòi kia nghe và đáp lại, nhóm người trên thửa ruộng này hô cho nhóm người thửa ruộng kế bên nghe; cũng như thật ngữ hô lô tô ở Nam bộ: một người hô to lên để cho tất cả mọi người đông đúc chung quanh nghe rõ trong cảnh chen lấn ồn ào.

Khởi đầu của hô bài chòi chỉ là một nhu cầu giải trí không thể thiếu của một quần thể cư dân, khi mà các điều kiện giao lưu văn hóa, đi lại như lúc bấy giờ hoàn toàn tùy thuộc vào xã hội chưa được phát triển. Nhà văn Toan Ánh rất tinh tế khi đưa ra nhận xét: "... người nhà quê khi làm việc hay khi vui chơi hay hát lắm. Đứa trẻ chăn trâu, buổi chiều cho trâu về, hoặc cỡi trên cổ, hoặc nằm trên lưng trâu, nhẹ nhàng cất tiếng hát rồi năm mười đứa khác cũng họa theo. Những đàn ông, đàn bà, cấy lúa, cắt lúa, làm cỏ hay tát nước ở dưới trăng hoặc ban đêm đập lúa, giã gạo, cũng theo nhịp nhàng tay chân mà hát cho quên mệt" (Toan Ánh SĐD).

Đối với hô bài chòi, từ một nhu cầu giải trí của một nhóm người, dần dần tiến tới nhu cầu thẩm mỹ của quần chúng. Và như vậy, quá trình phát triển của hô bài chòi, cũng như các làn điệu dân ca, kịch, hát bộ, cải lương, tân nhạc đều tuân thủ theo nguyên tắc khách quan: đó là sự phát triển theo chiều đồng đại và lịch đại.

Theo các nhà nghiên cứu bài chòi như Đặng Văn Lung, Phan Ngạn, Tạ chí Đại Trường... thì vạch xuất phát ban đầu của hô bài chòi là kể chuyện theo nguyên mẫu văn vần có âm giai, nhịp điệu. Những người ngồi nghe phụ họa theo lời hô từ các câu chuyện kể bằng các nhịp tay, mà biến thức của nó sau này là bộ sanh (gõ). Ngoài ra tên gọi thông thường của hô bài chòi, theo như Tạ Chí Đại Trường là: " Kỳ thực tên xưa cũ của nó là hô thai. Chúng ta đã từng nghe nói đến đố thai. Đó là một câu lục bát ngầm chỉ một vật gì mà người ta phải tìm ra. Thường ví dụ là những câu ca dao có sẵn mà người đó gắn cho nó một chủ ý, chỉ định bằng cách nói rõ vật đố đó thuộc loại gì:

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.

Khi được chỉ định xuất chim, thì người lanh trí lấy ý từ đi cho khéo, nghĩa là đi nhè nhẹ, khe khẽ, se sẽ để mà đoán là chim se sẻ.

Ví dụ nữa với câu:

Rung rinh nước chảy qua đèo
Bà già lật đật mua heo kén chồng
(xuất quả)

Vì việc nước chảy qua đèo và hành động của bà già kia là trái với lẽ thông thường, nên người ta đoán người đố muốn chỉ trái lý (trái hoa lý)" (TCĐT, SĐD).

Ông Tạ Chí Đại Trường đã lầm lẫn tai hại khi cho rằng hô bài chòi chính là hô thai. Không phải tên gọi hô bài chòi là hô thai. Hô bài chòi có trước hô thai khá xa. Còn hô thai hay đố thai, ở Phú Yên gọi là treo cổ nhơn cũng là một trò giải trí của người bình dân trong ngày tết, trong các buổi lễ hội nhưng đơn giản hơn nhiều. Ngày xưa, trong dịp tết cổ truyền, tại các khu đất rộng trước đình, làng thuộc vùng nông thôn, người ta dựng cây niêu có treo chiếc túi vải điều hay một trái bầu khô rỗng ruột, trong đó đã viết sẵn kết quả là con gì hay vật gì (người ta muốn đố) trên mảnh giấy.Sau đó có người xướng câu thai lên, ngân nga giọng điệu cao thấp, ca nam, ca bắc và đôi khi hứng chí có thể hô theo giọng hô bài chòi, hoặc chỉ xướng suôn, có khi lại viết câu thai ấy trên một tấm bảng để nhiều người đọc.

Ví dụ:

nắng ba năm tôi không xa bạn
Mưa một ngày bạn lại xa tôi
(xuất đồ vật).

Sau khi có câu thai, mọi người tham gia cuộc chơi cố tìm cho ra câu thai ấy đố là vật gì, rồi viết kết quả ấy vào mảnh giấy có ghi tên tuổi, địa chỉ người chơi và bỏ vào chiếc hộp gỗ, cuối cùng chủ xướng thai hạ chiếc túi vải xuống, đọc kết quả là chiếc giày, dép. Ai đoán đúng sẽ nhận được tiền thưởng gấp nhiều lần so với số tiền bỏ ra.

Như vậy, đố thai hay hô thai, hay treo cửu nhơn là một hình thức đánh đố người chơi. Nó dựa vào trò chơi của bài chòi để tạo ra một trò chơi mới đơn giản hơn, ít tốn kém về mặt tổ chức hơn bài chòi nhiều. Mặt khác đố thai hay hô thai chỉ duy nhất một lần một câu thai đố trong cuộc chơi. Hết cuộc này mới qua cuộc khác với một câu đố thai khác không trùng lắp với câu thai trước đó. Còn trong cuộc chơi của hô và đánh bài chòi là gồm nhiều câu hô và nhiều câu thai phụ thuộc vào lá bài. Đố thai xuất hiện khoảng thập niên 30, 40 của thế kỷ trước, trong khi bài chòi thì sơm hơn nhiều.

Rồi dựa vào lối đánh, hô bài chòi và đố thai, trò chơi xuôi dần về phương Nam để sản sinh ra một trò chơi mới, đơn giản hơn, gọi là hô lô tô thông qua vật được xác định để tới một ván là các con số thẳng hàng nhau để tới. Ví dụ:

Nợ nần tràn ngập
Không biết làm sao
Chẳng biết kế nào
Bằng bỏ đi trốn (con số 74)

Hoặc:

Bà đầm rung chuông
Thằng bồi dọn tiệc
Dọn cho kịch liệt
Đãi khách đàng xa (con số 23)

Những ý kiến trái ngược này cũng từng được đưa ra tranh luận tại cuộc hội thảo: Phát Triển Sân Khấu Ca Kịch Bài Chòi Miền Trung tại Nha Trang tháng 10 năm 1991, và nhà nghiên cứu Phan Ngạn đã lên tiéng khẳng định rằng: "Bài chòi không bắt đầu bằng hô thai, tức là câu đố. Câu hô bài chòi không phải là câu đố. Vì đã ra câu đố phải có thời gian để người ta suy nghĩ giải đố. Câu hô bài chòi không để mất thời gian quá nhiều, nó chỉ phụ họa cho con bài, tạo sự hấp dẫn, câu thêm nhiều khách đến đánh bài chòi mà thôi. Hô bài chòi không phải bắt đầu từ hô thai ở Bình Định".

Về điểm tựa cho sự phát triển của hô bài chòi là tự bản thân nó phải khai thác tối đa các làn điệu dân ca cơ bản mà các thế hệ nghệ nhân (và nghệ sĩ ca kịch bài chòi sau này) đã sáng tạo ra như bài chòi cổ, xuân nữ, xàng xê... Tính cách của bài chòi là bắt nhịp vào vần điệu của thơ lục bát hoặc lục bát biến thể của các bài ca còn vụng về, non nớt về ca từ. Những chữ đệm chỉ có công dụng làm đủ nghĩa cho câu hô, đồng thời với nhịp gõ của bộ sanh nhằm giữ nhịp cho điệu hô, mà thông thường là nhịp 2/2/2. Đôi khi là nhịp 1, nhịp 3. Trong trường hợp bắt buộc phải biến thức này, thì người hô phải kéo hơi dài ngắn sao cho đúng với trường canh, không lạc nhịp phách, nhịp sanh:

Dương Lễ xưa/ kết bạn/ (với) Lưu Bình/
Ưu đồng/ cộng lạc/ tử sanh/ (ơ) một lòng/
Dương lễ/ chiếm được/ bảng rồng/
Ra làm quan/ trước/ chạnh lòng/ (ơ) cố tri/
Lưu Bình/ đương lúc/ vân vi/

. . .

Xin trích dẫn một vài làn điệu dân ca bài chòi, được nhạc sĩ Lương Văn Thanh ký âm trong những lần đi điền dã ở vùng nam và bắc sông Đà Rằng.Tại mỗi vùng có cách hô khác nhau, nhưng tựu chung, những điều cơ bản nhất, như làn điệu, thể loại (cổ, xuân nữ...) đều được các nghệ nhân tuân thủ nghiêm ngặt. Chỉ có khác là hình thức diễn đạt bằng cách luyến láy, thay đổi nhịp trên các cặp từ: hoặc 2/2, 2/2/1, 2/3/2... hoặc là thêm các từ đệm vào các câu hô để vừa làm rõ nghĩa hay tăng sức biểu cảm khi diễn đạt.

Sau đây là làn điệu xuân nữ ở vùng bắc Đà Rằng,điệu thức giống với vùng An Nhơn, Bình Định, hơi "cứng" hơn. Và đây là lời hô của ông Nguyễn Uông, thôn Nho Lâm, xã Hòa Quang, PhúYên:

Còn làn điệu xuân nữ ở nam Đà Rằng thì phong cách thể hiện khác với những vùng khác như Sông Cầu, Tuy An, Hòa Quang, Hòa Trị..., được thể hiện mượt mà hơn, "mùi mẫn" hơn qua giọng hô của ông hai Linh, thôn 5 xã Hòa Vinh:

Còn sau đây là ký âm làn điệu xàng xê, một biến tấu rất ngẫu hứng từ điệu xuân nữ:

Và điệu cổ, làn điệu "cứng cáp" hơn các làn điệu khác:

Dựa vào các điệu thức của bài chòi, ngày nay người ta đã đưa nó vào tân nhạc, như bài Trách Phận do anh Nguyễn Hữu Ninh sáng tác năm 1968, phản ánh trật tự xã hội bị đảo lộn tận gốc rễ kể từ khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam, làm lung lay luân thường đạo lý, mất cả tình nghĩa vợ chồng, cha con... Sau đó nhạc sĩ Phan Bá Chức đã phổ nhạc, lưu truyền rộng rãi trong giới sinh viên, học sinh thời bấy giờ...

Cũng dựa trên lời thơ của Nguyễn Ninh nhạc sĩ Lương Văn Thanh đã ký âm lại theo điệu bài chòi, và gần gũi với làn điệu bài chòi Phú Yên hơn:

Từ hô bài chòi với duy nhất một người hô có nhiều người ngồi nghe, đã tiến dần đến có nhiều người hô theo lớp lang, tuồng tích cho đối tượng là các khán giả vùng nông thôn sau một ngày lao động, ngày mùa hoặc ngày tết. Về điểm này, từ một câu bài chòi với một người hô chuyển sang những câu bài chòi có có hai nhân vật đối thoại. Tính mâu thuẫn trong những bài ca như vậy tuy chưa cao, chưa thật rõ nét, nhưng dáng dấp tiền kịch của bài chòi bắt đầu hình thành, là tiền đề cho sân khấu ca kịch bài chòi mang tính hiện đại sau này:

Nam:

Này cô ơi! Đi đâu tăm tối một mình
Lại đây ta hỏi nữ trinh thế nào
Ưng ta, ta sẽ bước vào
Phượng loan chấp cánh hào giao ân tình

Nữ:

Nghe lời chú nói thất kinh
Bông sen tàn ai đi cắm lục bình bát xưa
Cóc mà mang guốc ai ưa
Đỉa đeo chân hạc sao vừa mà mong
Chú ơi! đừng tưởng (với) đừng hòng
Ta đây có xấu cũng con giòng phượng gia
Vô duyên (ta) ở vậy tới già
Tội gì ưng chú cho thiên hạ (mà) cười chê.

Ông Tạ Chí Đại Trường có một nhận xét hết sức độc đáo trong nghệ thuật hô bài chòi là: "... các nhân vật bài chòi tuy vẫn ép mình trong khuôn khổ, nhưng tình cảm có chiều hướng vượt ra, hành động không che giấu được tính phóng khoáng, ý muốn ruồng bỏ mọi ràng buộc" (TCĐT, SĐD).

Ra về nghĩ tới khóc than
Không ai thay mặt (để) nuôi chàng một khi
Châu Long nghe nói vân vi
Lạy xin phu tướng cho (em) đi nuôi chàng
Cúi đầu em lạy phu lang
Đem vàng tới đó nuôi chàng hiển vinh

Hoặc:

Em không hỏi lân hỏi lý
Em chỉ hỏi chị vợ nhà
Vợ anh đồng huyện hay người ở xa?
Hỏi thêm chuyên nữa: Vợ anh đà mấy mươi?
Vợ anh hay nói hay hay cười?
Hay là buồn bực trong người xốn xang?
Nói thêm sợ mất lòng chàng
Vợ anh lúc trước giàu sang hay nghèo hèn?
Vợ anh có cưới có cheo
Hay là nẫu thấy anh nghèo nẫu cho?
Vợ anh nhi nữ học trò
Hay là ở mướn chận bò bắt cua?

(...)

Ngày xưa, ở vùng nông thôn nam Trung bộ, hầu hết đều hình thành những sân hò như các sân hò ở Phù Cát, An Nhơn (Bình Định), vùng đồng bằng, hạ lưu sông Bàn Thạch, Đà Rằng, sông Cái (Phú Yên). Và cùng tồn tại với các sân hò này là các sân hô bài chòi. Khán giả mê hò thì đến với sân hò, mê bài chòi thì đến sân bài chòi. Đôi khi trên sân hò, người ta hò chán chê lại đổi qua hô bài chòi và ngược lại. Nếu như sân hò gần gũi với thơ ca, phong dao huê tình, thì các sân hô bài chòi lại gần gũi với đời sống thường ngày hơn. Nó có khả năng phản ánh những thông tin kịp thời và nhanh nhất mọi diễn biến xảy ra trong xã hội, nên chức năng thông tin trong hô bài chòi cao hơn nhiều. Ví dụ chuyện cô bốn Lành xinh đẹp, góa chồng năm hai mươi ba tuổi, ở vậy nuôi cậu con trai duy nhất tới năm ba mươi mà không chịu tái giá. Nhiều nơi giàu có đánh tiếng, nhiều ông xã, ông huyện... đang đêm lén lút vợ con "vi hành" tới tỏ tình với cô bốn Lành nhưng thảy đều bị khước từ. Có một vị "phụ mẫu chi dân" tuổi ngoài ngũ tuần, nổi tiếng thanh liêm chính trực, nửa đêm hứng tình mò đến nhà cô bốn. Chuyện bị bại lộ. Mấy hôm sau tại sân hô bài chòi, tức thì có một bài bóng gió:

Ở dưới tui lên tui cũng gặp chị
Ở trển tui xuống tui cũng gặp chị
Người ta đồn mộng đồn mị
Đồn tui với chị là hai vợ chồng
Từ xưa rày xa cách lông bông
Bây giờ hỏi thiệt trong lòng chị ra sao?
Một lẽ chị ưng đằng nào
Mai sau nó chết, ở làm sao cho vẹn toàn
Hai lẽ chị bạc phận hường nhan
Ba lẽ chị ở vậy nó xốn xang trong mình
Bốn lẽ chị ở vậy xùng xình
Kẻ ve người ghẹo cực mình ai nuôi?
Chi cho bằng chị cứ ưng tui
Ngày giỗ ngày quải, có lính lệ đèn hương cho chồng
Nói giữa rày có chứng đám đông
Hai bên cô bác có đờn ông đờn bà
Hẹn ngày mười sáu tui cho vợ tui qua
Khay trầu chén rượu để mẹ cha biết chừng
Không ưng cứ nói không ưng
Để tui liệu nước tìm đường lại qua
Chuyện bách niên giai lão kết tóc tới già
Chớ đừng trặc trẹo vậy mà không nên
Xứng đào xứng kép lại đẹp hai bên
Cũng là bà lớn cũng nên bà hoàng
Cớ sao cứ cam chịu cái phận xềnh xàng
Nữa khi già, thác xuống lỗ mối nó màng làm chi?
Bây giờ chị cứ nghĩ đi
Chút nữa trăng lặn, tui thì phải về dinh.

Chưa nói đến nghệ thuật diễn đạt, đến độ làm cho quần chúng rung cảm để nhích gần tới đồng cảm, thì hô bài chòi có sức cuốn hút người nghe hơn nhiều. Nói cuốn hút bỡi nó có khả năng đề cập tới tất cả mọi vấn đề, ngóc ngách của cuộc sống, thông qua từ ngữ rất gần với người bình dân. Ngôn ngữ bình dân trong hô bài chòi có thể bày tỏ tình cảm trai gái lứa đôi, ve vãn, phê phán những thói hư tật xấu, nói chuyện thời tiết mùa màng, chuyện chính sự, phụ sự... Bài chòi còn cả gan "sờ tận gáy" các quan phụ mẫu thời xưa... nghĩa là nó không tha bất kỳ việc gì trên đời này. Trong khi đó, tại các sân hò (hò khoan, hò giã gạo, hò kéo vải...) chỉ thấy một kiểu thức huê tình, phong tình mà thôi

Với những yếu tố như vừa nêu trên, chúng ta có thể tạm thời khẳng định rằng: thời xưa, bài chòi đã ăn sâu tận gốc rễ, tạo thành sinh hoạt văn hóa thường xuyên của quần chúng nông thôn, cũng ví như ngày nay, ca tài tử, cải lương đã thấm sâu vào tâm thức của người dân Nam bộ vậy.

Xin dẫn ra đây một đoạn trong Tam Hạ Nam Đàn mà hầu như ở sân hô bài chòi nào cũng đem ra trình diễn để khán giả thưởng thức:

Lưu KimĐính: (nói lối) Sông Tả sang ký tích, Lưu Kim Đính ngã danh. Niên kỷ vừa đôi tám xuân xanh. Kinh luân đủ lục thao tam lược. Thuở trước thầy ta đã dặn:

Hô theo điệu cổ:

Thầy ta thánh mẫu Lê San
Thầy cho đồ đệ nguồn can thăm nhà
Mấy lời sư trưởng dặn ta
Sông Tả sang tới đó tạc ra chiêu phu bài
Trước thời gặp lại trúc mai
Sau thời giải giá cứu ngài Triệu Vương
Bài phu tạc để một trương
Giả đò kén khách qua đường mới xong
Phải duyên ta bắt làm chồng
Vái cùng nguyệt lão tơ hồng xe dây
Cao Quân Bảo: (Hô theo điệu xuân nữ)
Tống trào Cao Quân Bảo tài lành
Nghe cha bị bắt chân thành trốn đi
Thọ Châu giải giá một khi
Giải vây Đường quốc phen nì mới an
Lên yên giục ngựa băng ngàn
Quan san cách trở giữa đàng gặp mưa
Cái duyên ngưng thủy trời đưa
Ba sinh tiền định vầy ưa duyên tình
Ai xuôi gặp gỡ thình lình
Khiến Lưu Kim Đính đem tình nhớ thương
Chiêu phu bài để giữa đường
Kén trai hào kiệt nam thanh đua tài
Cao Quân Bảo đánh phá chiêu phu bài
Sá chi thục nữ đua tài nam nhi
Chữ rằng: nữ tử vu qui
Làm thân con gái vội chi kén chồng
Ta đây tức giận trong lòng
Phá tan bảng gái kén chồng coi chơi.

Lưu Kim Đính: (nói lối) Chặn tướng phá bài phu. Thiếp quân lai vấn tội. Người đi đâu phòng vội. Đứng lại thiếp hỏi han.
(Hô theo điệu xàng xê)
Cả kêu bớ gã đi đàng
Tài tình chi đó dám phá tan bảng này?
Người đâu xiêu lạc tới đây
Cha mẹ khá tỏ, tên họ rày khá phân

(...)

Xin được mở thêm dấu ngoặc là: Kể từ khi hát bộ và bài chòi cùng song hành trên sân khấu dân gian thì tất cả các đoạn khúc trong các tuồng hát bộ đều được các nghệ nhân hô bài chòi sử dụng bằng cách biến tác, cách điệu để phù hợp với đặc trưng, phong cách, phong điệu của bài chòi mà sử dụng. Và đây cũng là yêu cầu từ phía quần chúng. Vậy cho nên, đôi khi chúng ta đang nghe một đoạn hô bài chòi chính gốc, thì liền sau đó họ lại chuyển thể, hát nam, hát khách y như đang hát bộ.

Ví dụ một trích đoạn trong vỡ "Diễn Võ Đình" của Đào Tấn. Đoạn trên và dưới đang hô theo điệu bài chòi, nhưng đoạn giữa lại chuyển sang hát nam theo lối hát của tuồng hát bộ. Sau đây là đoạn Khánh Sanh từ giã vợ ra đi, hô bài chòi theo điệu xuân nữ:

Giọt ly dần dã chinh bào
Kìa cơn gió thét ào ào rừng thu (...)

Đến chỗ Khánh Sanh đã đánh bại Bàng Hồng, thoát vòng vây, trên đường lánh nạn nơi đất khách quê người, chỉ còn một mình Khánh Sanh trên lưng ngựa, thì nghệ nhân bổng chuyển sang hát khách:

Trời chiều thu ảm đạm
Đất lạ khách bơ vơ
Chinh chiến mấy ai về?
Ra trận dẫu say xin chớ trách
Quê hương đâu đó tá?
Trên sông khói sóng giục cơn sầu...
Rồi bổng dưng đột ngột chuyển sang hô bài chòi:
Chút thân liều gửi cung dâu
Đố con lương mã biết đâu là nhà?
(Đào Tấn – trích tuồng Diễn Võ Đình)

Sự pha tạp này, theo các nhà nghiên cứu bài chòi lý giải, đều cho đó là sự dung nạp tự nhiên, làm phong phú thêm các điệu thức trong một bài hô hát, như ngày nay chúng ta đang nghe thấy trên sân khấu cải lương đang xuống một câu vọng cổ bổng dưng nhảy qua tân nhạc, hò quảng, lý... Chính điều này, nên càng về sau này, khi các loại hình nghệ thuật biểu diễn phát triển mạnh, thì bài chòi có nhiều nét tương đồng với hát bộ và cải lương ở một vài điểm, mà các nhà bài chòi học cho đó là: "Sự tách dần ra khỏi nguyên gốc nhằm tăng thêm sức hấp dẫn đối với người nghe, tránh được sự nhàm chán với độc nhất một vài điệu hô. Đây là sự cách tân cần thiết" (La Nhiên – SĐD).

Tại cuộc hội thảo khoa học: "Phát triển sân khấu ca kịch bài chòi miền Trung" do Bộ Văn Hóa tổ chức tại Nha Trang tháng 10.1991, có ý kiến cho rằng: cái gốc của các làn điệu cổ, xuân nữ, xàng xê... đang sử dụng trong hát bộ và cải lương đều bắt nguồn từ bài chòi mà ra. Hư thực thế nào, vấn đề đang còn tranh luận. Duy nhất một điều được mọi người đồng ý với nhau: là các điệu thức trong hô bài chòi có nhiều nét tương đồng với hát bộ và cải lương. Đây không phải là sự pha tạp để làm mất cái nguyên gốc ban đầu của chính nó, mà chỉ thêm vào để một bài hô hay hơn, như ông La Nhiên giải thích ở trên..

Dẫu cho ảnh hưởng và tác động qua lại như thế nào, thì hô bài chòi cũng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn mỗi người bình dân nông thôn suốt một thời kỳ khá dài, trên cùng một vùng văn hóa rộng lớn. Những câu hô bài chòi không chỉ thu hẹp ở một địa phương mà còn lan rộng cả một vùng nam Trung bộ. Ví dụ câu mà chúng tôi đã dẫn ra ở các trang trước: Này cô ơi! Đi đâu tăm tối một mình... Tội gì ưng chú cho thiên hạ mà cười chê" thì ở Nam Ngãi, Bình Định hay Phú Yên, những ai một thời từng gắn bó, say mê với bài chòi cũng đều thuộc đều nhớ. Khả năng tỏa rộng của những câu hô như vậy là yếu tính của dân ca nói chung và của bài chòi nói riêng.Cũng ví như bài ca tài tử Dạ Cổ Hoài Lang của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu thì cả vùng sông nước mênh mông Nam bộ không ai là không biết đến:

Từ phu tướng
Báu kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Thêm đau gan vàng
Trông tin chàng
Gan vàng thêm đau!
Chàng dù say ong bướm
Xin đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm ngóng trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu luống trông tin chàng
Năm canh mơ màng
Chàng hỡi! Chàng có hay?
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm tình thương
Nguyện cho Chàng
Đặng chữ bình an
Trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi.

Một chức năng khác của bài chòi không thể phủ nhận, đó là chức năng thông tin. Quan hệ giữa bài chòi và xã hội là quan hệ hổ tương, qua lại, là chiếc cầu nối giữa quần chúng và mọi hoạt động, đời sống xã hội. Những câu hô bài chòi như thế, hoặc là ghi lại một biến cố, một diễn biến nào đó sau lũy tre làng hay có thể xa hơn. Ví như trận lụt lịch sử năm Gíap tý 1924 tại Phú Yên:

Giáp Tý Khải Định cửu niên
Trời làm bão lụt Phú Yên cơ hàn
Tuy Hòa cho thấu Tuy An
Đồng Xuân phủ cũ, các làng gần sông
Đá Bia chạm khói Cù Mông
Dưới biển sóng dậy trên đồng nước dưng
Nhà cao, nước lụt nửa lưng
Nhà thấp, đá mái nước bưng vô nhà
Mưa dầm tại bữa hăm ba
Sáng ngày hăm bốn nước đà vào sân
Đầu hôm sấm sét vang rân
Gió nam thổi kiệt mưa dầm canh ba
Canh tư nước bạc bùng lên
Ba đào chuyển động đập thuyền nát tan
Sân đình, lẫm miếu, trần làng
Long đình hương án hoàn toàn về âm
Lúa, dâu, sắn, mía nước ngâm
Nhà sàn, kèo cột, rui mầm còn chi
Bà già chết đứng một khi
Con thơ, vợ dại còn chi quớ làng!

. . .

Hoặc như trong sinh hoạt nội bộ gia đình, giận dữ vì chuyện sui gia bất đồng nhau do con cái gây nên:

Chuyện gì động đến sui gia
Con tui có dại chị la chị ngầy
Hồi nào thím thím, thầy thầy
Bây giờ cặc đách, con này thằng kia.
Nói lối: Trẻ bay đâu? Mai đừng tát đìa. Qua kêu con Bảy nó về tao biểu đây)

Hô:

Chuyện gì mà đánh mà ngầy
Lời khôn sự dại, bảo mầy phân lại tao hay
Tao làm sui đã mấy năm nay
Tao nghèo tao chịu, tao chẳng mượn vay thằng nào
Nó đừng ỷ giàu, nhà lớn, đống rơm cao
Giàu bay, bay lát, bay đừng khinh tao nghèo

(. . .)

Những tính cách dân dã như thế này đã phản ánh đúng bộ mặt nông thôn ngày trước trong mối quan hệ xóm giềng, sui gia. Và nhà văn Võ Phiến nhận xét: "Lời thơ y hệt như lời nói. Không thấy có cái bận tâm làm văn. Ở đây, những tiếng tục tĩu cũng không cần né tránh. Lời cứ xông xổng tuôn ra ngang nhiên, không bị câu thúc gọt đẽo trau chuốt gì, vì vậy mà cơn giận hiện ra thực sinh động" (Võ Phiến, Bài Chòi, Tập san Tân Văn số 1, SG 1968).

Ngoài chức năng thông tin, hô bài chòi còn luôn tìm cho mình chỗ đứng trong thế bắt buộc phải cạnh tranh với các sân hò huê tình để trao duyên, để ve vãn. Bài chòi cũng cố gắng chen chân vào lãnh vực này. Cũng đối đáp, cũng chọc ghẹo, tán tỉnh, ve gái... Ví dụ như anh chàng mượn chuyện Lục Vân Tiên để trêu ghẹo cô con gái ông hào phú xã bên vừa có nhan sắc nhưng không kém phần đanh đá chua ngoa:

Hô nam:

Bấy lâu anh ở núi Tú Vi
Qua đây nghe tiếng trường thi bước vào
Tai nghe tiếng thốt nghẹn ngào
Nguyệt Nga ở đó, Nguyệt Nga nào về Phiên?
Nguyệt Nga nào thác xuống huỳnh tuyền
Nguyệt Nga nào lạc vườn Bùi Kiệm nên khấn nguyền làm chay?
Gặp Tiên, Nga phải tỏ Tiên hay
Trao trâm lúc trước, em có nhớ ngày nào không?
Sao giờ này Nga lại đi lấy chồng
Để Tiên cô quạnh long đong dặm trường?

Hô nữ:

Cây nhàu ra lá cũng nhàu
Cây cau ra lá, chín mười tàu cũng cau
Em than phần em chậm bước đến sau
Để coi khách quí ai mở bầu sắc son
Tới khuya nhơn nghĩa đâu còn
Tỷ như hoa nở đầu non một mình

Hô nam:

Cây nhàu ra trái cũng nhàu
Cây cau ra lá chín mười tàu cũng cau
Em than phần em chậm bước đến sau
Có anh đây đến muộn ta kết đôi chung tình
Cũng là duyên nợ ba sinh
Gặp người khách quí để mở bình sắc son
Tới khuya nhơn nghĩa vẫn còn
Dẫu mà hoa nở đầu non anh vẫn tìm

Rõ ràng, sự phát triển của bài chòi, là bắt đầu từ một nhu cầu giải trí với những điệu hô mộc mạc, đơn giản ban đầu, sau đó càng về sau càng nâng cao thêm một bước về khả năng sáng tạo và biểu diễn đầy tính ngẫu hứng, nghệ thuật hơn hẳn buổi ban sơ; để sau này nó trở thành một nhu cầu thẩm mỹ của đại bộ phận công chúng cho đến mốc cuối cùng là sân khấu hiện đại của ca kịch bài chòi, đã cuốn hút nhiều lớp nghệ sĩ gắn bó với nó suốt cả cuộc đời nghệ thuật: cố nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi là một ví dụ điển hình nhất.

Tầm vóc của bài chòi, hô bài chòi tuy không lớn, ảnh hưởng chưa bao trùm lên cả nước, nhưng vai trò của nó cho riêng một vùng đất thì không ai phủ nhận: "Hô bài chòi cũng như lý, là loại dân ca đã được đưa lên sân khấu trong nhiều kịch bản, được nhân dân miền nam Trung bộ rất ưa thích" (Vũ Ngọc Phan – SĐD).


Nguyễn Lệ Uyên

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org