Học Trò
13/7/2018

DuongDinhHung

“Dù cho chỉ sống một giây,

Máu còn luân chuyển, tim này còn yêu”
(Dương Đình Hưng)

Đó là hai câu thơ chú Hưng đọc lại cho tôi nghe trong lần ông sang Cali gần đây (tháng Sáu 2018) để tham gia đêm nhạc “Áo Trắng với Cung Đàn”. Đêm nhạc do Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học tổ chức, với mục đích “giới thiệu những dòng nhạc mới của 5 Bác Sĩ người Việt Hải Ngoại.” Vâng, xin phép được “bật mí” cùng bạn đọc của “Học Trò”, rằng ông Hưng là chú ruột tôi - mà chính tôi cũng chỉ mới khám phá ra hai năm gần đây, là ngoài công việc chính là bác sĩ (đã nghỉ hưu), ông còn là một người sáng tác nhạc nữa. Ông và tôi đã có một dịp trò chuyện khá lý thú khoảng ba giờ đồng hồ ở một tiệm café Starbuck. Với hai câu thơ ông đọc tôi nghe, tôi càng tin 100% tại sao tôi không thể sáng tác nhạc được. Tôi chỉ có thể là một “blog sĩ” mà thôi, vì tôi không có đủ “lửa”, không có một con tim nhạy cảm để có thể yêu cuồng nhiệt, say đắm tới độ bật ra những câu thơ, những câu nhạc như những thi sĩ, nhạc sĩ được. Tôi bèn tận dụng lần gặp gỡ hiếm hoi này (chú ở Virginia, còn tôi ở California) để “phỏng vấn” chú, hy vọng chú “bật mí” những yếu tố đã khiến chú viết nhạc, làm thơ được phổ nhạc, viết lời Việt cho nhạc ngoại, tổng cộng gần 100 bài.

Từ cuộc nói chuyện này, tôi ghi chép được trong sổ tay bốn yếu tố chính mà người viết nhạc nào cũng phải có: (1) nhạc sĩ phải luôn có “lửa tình yêu”, (2) trong một bài nhạc phải có hai giai điệu song hành, (3) bài nhạc phải có một đỉnh điểm (climax), và (4) bài nhạc phải có một “tuyệt cú”. Riêng về điểm thứ tư này, chú Hưng “bật mí” là chú được chính cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chỉ bảo. Chú cũng tâm tình là chú được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc từ thơ cho chú được 9 bài. Chú giải thích thêm, 9 bài, chứ không phải là 10 hay 8 bài, là vì nhạc sĩ có tên là Nguyễn Ánh 9, nên nhạc sĩ chỉ muốn phổ 9 bài thôi.

Cách đây hai năm (2016) tôi có viết một bài viết ngắn, sau khi nghe qua lần đầu các bản nhạc mp3 của chú trên trang www.duongdinhhung.com . Sau cuộc gặp gỡ Starbuck ngắn ngủi này, tôi lại tò mò muốn tìm hiểu thêm dấu tích những “lửa tình yêu”, những “tuyệt cú” trong nhạc của chú, nhưng tôi giới hạn lại, chỉ tìm hiểu kỹ lưỡng những bài nhạc do chú soạn cả nhạc lẫn lời, cùng những lời văn chú đã soạn cho các bài nhạc ngoại quốc mà thôi. Và tôi đã tìm thấy một chú Hưng thật mẫn cảm, thật đa tình, là một thi sĩ và nhạc sĩ có bản lãnh chứ không chỉ như chú khiêm tốn coi mình như một lãng tử đã có “một thời rong chơi vào thơ và nhạc” - như tựa đề của tập nhạc pdf chú gửi tặng tôi.

Có những bài thật hay như “Người Xưa Ấy”, “Huế đến với tôi”, “Chiếc Lá Thu Rơi”, “Phố Lạ”, “Nhạc Buồn Đêm Mưa” cũng như “hay hay” như là “Thà Như Không Có Mưa”, Mặt Trời, Em và Tôi”, “Có Gì Đâu”. Để bù lại với những giai điệu mà tôi chủ quan nhận định là chưa thật “tới”, tôi khám phá ra lời nhạc của những bài hát ấy rất đặc sắc. Ngoài ra, tôi còn vui mừng thấy các nhạc sĩ Phạm Tuân, Nguyễn Tường Vân, Nguyễn Ánh 9 đã đồng cảm được với thi sĩ Dương Đình Hưng để cho ra đời những sáng tác ngoạn mục như “Bản Tình Ca Luân Vũ” (nhạc Nguyễn Tường Vân), “Gần Bên Em” (nhạc Phạm Tuân – lời Anh ngữ của Hà Lê, cũng là cô em họ gần của tôi), hay là “Ngày Vu Quy” (nhạc Nguyễn Ánh 9). Đó là chưa kể những bài do chú Hưng viết lời Việt, như “Em Lắng Nghe Mùa Đông”, nhất là bài “Chờ Nhé Em” (phối khí: Đức Thiện, trình bày: Thu-Hà), trong đó thi sĩ Dương Đình Hưng đã “chuyển ngữ” từ hai câu thơ của ông “Dù cho chỉ sống một giây, Máu còn luân chuyển, tim này còn yêu” thành:


“Anh còn yêu mãi cho hết đời nay,
Anh còn yêu nữa cho hết đời sau,
Duyên tình tha thiết qua hết đời nay,
Duyên tình thắm thiết cho đến đời sau.”

Tôi còn muốn nói thêm một điểm rất quan trọng thứ năm nữa trong dòng thơ nhạc Dương Đình Hưng – cho dù ông không nói rõ ra – là những bài nhạc của chú đều được hòa âm phối khí thật kỹ lưỡng và rất đều tay, rất “chất lượng” do những nhạc sĩ kinh nghiệm phụ trách. Tôi nghĩ đó là một điểm quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất nhì. Đây là một điểm son, chứng tỏ rằng chú Hưng rất nghiêm túc với nhạc của mình, muốn chúng phải thật hoàn hảo với công chúng thưởng ngoạn khá khó tính - một công chúng mà chỉ cần một cú “mouse click” là đã chuyển màn hình Youtube qua một bài nhạc, một dòng nhạc khác.

Tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất có lẽ là “Huế Đến Với Tôi” (hòa âm và phối khí: Nguyễn Đình Quang-Anh, trình bày: Ánh Tuyết). Giai điệu thật ngọt ngào, chỉnh chu trên một nền Boston 3/4, hòa âm nhẹ nhàng. Bài nhạc giới thiệu người nghe một thành phố Huế êm đềm, với những “thôn Vỹ Dạ, Thành Nội”, với “nắng hàng cau, những cơn mưa, trời mưa không dứt”, có “dòng sông mộng, bóng trăng thề”. Huế còn tăng thêm sức hấp dẫn ngàn lần với người sinh viên y khoa Dương Đình Hưng khi anh có “người yêu dấu”, thì Huế còn “có gió tóc bay”, có “bao con đường me vắng”, có “mắt buồn mưa rơi”. Ta hãy xem toàn bộ phiên khúc và điệp khúc thứ nhất:


Huế, Huế đến với tôi, là những cơn mưa
Là một dòng sông mộng, có bóng trăng thề
Huế, Huế đến với tôi, là một trời thơ
Bao con đường me vắng,
Từng phút trông mong, từng phút hẹn hò
Huế, Huế đến với tôi, là Thôn Vĩ Dạ
Là nắng hàng cau, có người thương yêu
Huế, Huế đến với tôi, có gió tóc bay,
Có người yêu dấu, mắt buồn mưa rơi …

Vậy đó, Huế đã trở thành chứng tích cho một (hay nhiều?) cuộc tình, với anh sinh viên đã có “những lần gặp gỡ, say đắm bên nhau, con tim nồng cháy, không biết mờ phai”. Và tác giả cho ta một kết luận bất ngờ nhưng rất thuyết phục là:

Vì em nhỏ nhẹ,
vì em chi rứa,
Tôi quên, quên hết, quên hết đường về”

Nhưng tình yêu đâu có đơn giản như hai cộng hai là bốn? Trong nhạc Dương Đình Hưng có rất nhiều bài viết về những đổ vỡ trong tình yêu, những luyến tiếc tình xưa, những “phải chi”, “thà như”, là những cảm nhận nho nhỏ như “Chiều nay quay về phố lạ, biết lòng mình còn những đam mê”. Tiêu biểu nhất là bài “Người Xưa Ấy” (hòa âm và phối khí: Nguyễn Đình Quang-Anh, trình bày Bích Hiền), viết về một người tình xưa, nay đã đi lấy chồng, dòng sông cũ khi xưa chẳng còn là “dòng sông mộng” nữa, mà đã thành “dòng sông vắng, buồn mênh mông”.


Người xưa ấy, đi lấy chồng
Dòng sông vắng, buồn mênh mông
Gió mùa đông, về lạnh lùng
Gió mùa đông! Gió mùa đông!
Nhớ người đi, đi lấy chồng,
Ngày vu quy, có nắng vàng
Nhìn xa xăm, man mác buồn
Buồn mênh mông
Buồn mênh mông
Buồn mênh mông …

Ta cảm nhận là ngày nàng lên xe vu quy, tuy nắng có vàng đấy, nhưng trong đôi mắt chàng thì chỉ có một nỗi buồn mênh mông, lặp đi lặp lại ba lần, cho ta cảm nhận lây cái nỗi buồn mênh mông như dòng sông cũ với gió Đông! Trong một bài nhạc khác, theo cùng với nỗi buồn là những luyến tiếc mối tình xưa, dẫn đến sự than trách, “phải chi”, như trong bài “Thà Như Không Có Mưa” (hòa âm và phối khí: Đức Thiện, ca sĩ: Thu Hà). Tác giả trách ông Trời: “Thà như ngày xưa đó, không có buổi chiều mưa, không ai đón em về, anh làm kẻ đón đưa.” Rồi nhạc sĩ khéo léo trách người yêu:


Em cho anh một lần,
mà vẫn mãi thờ ơ,
Anh cho em ngàn lần,
sao vẫn mãi chờ mong?

Rồi người nam kết luận là “thà như không có mưa, duyên kiếp không hững hờ”.

Trong một nhạc phẩm mà tôi rất ưng ý khác có nhan đề “Nhạc Buồn Đêm Mưa” (hòa âm và phối khí: Nguyễn Đình Quang-Anh, trình bày Diệu Hiền), với một giai điệu và hòa âm bán cổ điển, nhạc sĩ bày tỏ tâm trạng giùm cho một người nữ với tiếng mưa rơi, với giọt buồn cũng tuôn “theo tiếng mưa rơi”, để “khóc tình cay đắng, khóc duyên lỡ làng.” Ta hãy thử hát theo bài với lời nhạc sau để cảm thông với tinh thần bản nhạc:


Nhạc buồn ai hát đêm mưa,
tương tư, tương tư sầu nhớ
Tìm về một giấc mơ hoa,
lệ nhòa trên phím đàn xưa
Giọt buồn thánh thót bên song,
mưa rơi mưa rơi đường vắng
Lòng buồn theo tiếng mưa rơi,
Anh ơi, có nhớ đường xưa lối về

Tiếng mưa rơi, tiếng mưa rơi,
giọt buồn theo tiếng mưa rơi
Tiếng mưa rơi, tiếng mưa rơi,
khóc tình cay đắng khóc duyên lỡ làng

Điệu buồn ai oán đêm mưa,
anh ơi, anh ơi sầu nhớ
Tình là một giấc mơ hoa,
Vì đâu anh hỡi tình xưa nhạt nhòa.

Có lẽ cũng lâu rồi tôi mới nghe được một bài có phiên khúc lẫn điệp khúc với hai câu cuối là thơ lục bát, nhưng được chuyển thành nhạc, thật ngọt ngào và đầy chất thuyết phục như vậy. Nếu không để ý chắc tôi cũng không biết đó là một câu lục bát.

Như đã viết sơ qua trong bài viết trước, tôi rất phục cách chú Hưng soạn lời Việt cho một số các nhạc phấm ngoại quốc, nhất là bài “Em Lắng Nghe Mùa Đông” ( Song From a Secret Garden – soạn nhạc: Rolf Løvland). Chú nói với tôi bài chỉ có nhạc, chú nghe xong thấm quá và soạn thêm ca từ. Tôi thấy prosody (hòa hợp giữa lời và nhạc) của bài này thật là “tới”, nghe rất “phê”, tôi nghe hoài không chán. Ta hãy thử hát theo:


Tình em đơn chiếc, tha thiết
Em sống trong mùa đông
Em lắng nghe mùa đông u buồn
Tình em thương tiếc, thương tiếc
Anh có nghe mùa đông?
Anh có nghe lời em thở than?

Mình em lẻ bóng, lẻ bóng
Như ánh sao mùa đông
Trong bóng đêm mình em u buồn
Tình em đơn chiếc, đơn chiếc,
Như lá cây sầu đông
Bao tháng ngày đợi mong, đợi mong ….

Cảm động nhất là những câu cuối bài, thật buồn bã:

Lòng em thương nhớ, thương nhớ
Anh có nghe lời em
Anh có nghe đời em dở dang!

Trong một nhạc phẩm khác, bài “Yêu” (“Love is A Many-Splendored Things” (1955) - nhạc: Sammy Fain, lời: Paul Francis Webster), nhạc sĩ viết hẳn một lời nhạc mới. Ông định nghĩa cho ta “Tình Yêu” là chi, và ông cũng cho ta thấy một màu sắc khác của bản nhạc (từ phim cùng tên) cùng với một lối hòa âm jazzy, tân kỳ. Tôi nghe bài này mà liên tưởng đến một số bài của các tay tổ viết lời như Pierre Delanoë, ông ta viết lại lời Pháp hay quá, như “Fais Comme l’ Oiseau” (do Michel Fugain trình bày) từ bản gốc Ba Tây với tựa là “Vocé Abusou”, hay bài “Les Champs-Élysées” (do Joe Dassin trình bày) từ bài Waterloo Road, hay đến nỗi nếu không tìm hiểu sẽ không thể biết đó là những bài nhạc ngoại quốc với lời Pháp hoàn toàn mới. Nào, chúng ta hãy cùng thưởng thức:


Yêu là cho hết tình yêu trong lòng
Là dâng hiến những lúc,
Những phút thắm thiết sống bên nhau êm đềm
Tình yêu như cơn mưa, cơn mưa sớm,
Là ngọt ngào, ngọt ngào trìu mến
Tình yêu cho đi hết, mà không hề luyến tiếc.

Yêu là cho hết tình yêu ban đầu
Là yêu mãi, sống mãi,
nhớ mãi những phút giây thương yêu ngọt ngào
Dù mai đây chia xa, chia xa, xa quá
Có còn tìm đến bên đời?
Tình yêu ấy sẽ không bao giờ tàn phai!

Trích lời gốc:

Love is a many-splendored thing
It's the April rose that only grows in the early Spring
Love is nature's way of giving a reason to be living
The golden crown that makes a man a king
Once on a high and windy hill, In the morning mist
Two lovers kissed and the world stood still
Then your fingers touched my silent heart and taught it how to sing

(Nguồn: Internet)

Tôi nghe ra như bản nhạc lời Việt này của chú Hưng là một bản “Tuyên ngôn Tình Yêu” khác, trong đó nhạc sĩ đã tuyên ngôn hộ cho những cặp tình nhân mọi lứa tuổi, làm tôi liên tưởng ngay đến bài “La Déclaration D’amour” mà tôi đã một thời say mê với giọng hát France Gall.



Je veux des souvenirs avec toi
Des images avec toi
Des voyages avec toi
Je me sens bien quand tu es là

Je t'aime quand tu es triste, que tu ne dis rien
Je t'aime quand je te parle et que tu n'écoutes pas
Je me sens bien, quand tu es là

Trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi này, tôi không quên đưa chú một “phong bì”, dĩ nhiên không phải để hối lộ , mà trong đó có chứa nhạc và nhạc tờ của các bài nhạc Pháp thập niên 60, 70 và 80, với hy vọng “mỏng manh” rằng chú sẽ dành thời gian nghỉ hưu để viết thêm lời cho những bản nhạc Pháp mà tôi rất yêu quý. Tôi thực là “lực bất tòng tâm” khi cố chuyển vài ba bài sang lời Việt mà không thành công chút xíu nào hết. Tôi muốn nói đến các bản như “Lettre A France” (Michel Polnareff), “Un Jour, Un Enfant” (Frida Boccara), “Une Belle Histoire” (Michel Fugain), “J'ai Encore Rêvé d'Elle” (Il Était Une Fois), “Il a Neigé sur Yesterday” (Marie Laforêt), "L'Oiseau et l'Enfant" (Marie Myriam) , v.v. Hy vọng chú sẽ có thời gian để viết thêm các bài lời Việt như trên.

Nhạc sĩ còn nhiều nhạc phẩm đặc sắc nữa, nhưng tôi muốn để bạn khám phá. Đặc biệt một vài bài trong đêm nhạc “Áo Trắng với Cung Đàn” đã vừa được đưa lên mạng YouTube:

Huế Đến Với Tôi:

Cánh Hoa Dù:


Một điểm đặc biệt là chú chỉ “rong chơi vào thơ và nhạc”, nên toàn bộ các nhạc phẩm chú để chúng ta “dạo nghe” free, miễn phí, ở trang mạng:
http://www.duongdinhhung.com/songs.html

cũng như trên YouTube:
https://www.youtube.com/user/hunghoangduong/videos?disable_polymer=1

Cám ơn bạn đọc đã theo dõi tới cuối bài. Cám ơn nhạc sĩ / chú Dương Đình Hưng đã tặng cho những người yêu nhạc một bữa tiệc âm thanh thật tươm tất.
Hẹn bạn trong một lần tản mạn nhạc khác.

Thân ái,

Học Trò
Tiểu Sài Gòn
7/13/2018


Phụ Lục:

1. Hình bìa tập nhạc Tình Khúc Dương Đình Hưng (do Ông Dương Đình Tuân vẽ tranh bìa)

TinhKhucDuongDinhHung


2. Tiểu sử nhạc sĩ, trích trong tập nhạc “Áo Trắng Với Cung Đàn” (Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học 2018)

TieuSuDuongDinhHung


3. Vài nét về nhạc Dương Đình Hưng, trích trong tập nhạc “Áo Trắng Với Cung Đàn” (Câu-Lạc-Bộ Văn-Nghệ Viện Việt-Học 2018)

VeNhacDuongDinhHung
Bình luận

Đăng Nhập/Xuất