Quốc Bảo
8/9/2015

Bolero Việt có dây mơ rễ má với bolero Cuba nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến các tác phẩm bolero kinh điển, ví dụ của Ravel hay Chopin. Bolero là cách gọi chung nhiều tiết điệu ca khúc khác nhau chút ít về công năng hòa thanh, tiết tấu và nhịp độ (tempo) như bolero, rumba, slow mambo, tango habanera, beguine, song cùng cấu trúc nhạc nhảy cân phương và cùng "không khí" lời ca (phần lớn diễn tả lối sống và tâm tư của người bình dân miền Nam trong tiến trình đô thị hóa 1954 - 1975.

Từ hiệp định Genève trở về trước, ngược lên tới đầu nguồn của "bài ta điệu tây", ca khúc Việt đa số do các nhạc sĩ Hà Nội sáng tác, tạo nên một dòng nổi tiếng mệnh danh là nhạc tiền chiến. Cùng với cuộc di cư một triệu, các bài hát mới do người di cư soạn ra vẫn giữ nguyên hơi hướng Bắc, phần nhiều phản ảnh nỗi buồn xa quê và hoài vọng kỷ niệm ấu thời, và hầu hết vẫn cứ là "bài ta điệu tây" với khúc thức phóng túng, tùy hứng, lời đến đâu nhạc theo đến đấy, chưa chú trọng xây dựng giai điệu trên những âm hình sơ nguyên (chỉ cần một chủ đề ngắn, rồi phát triển ba câu còn lại từ chủ đề ấy ở những quãng khác theo tiến trình hòa âm), và lời ca thì rặt chất Bắc. Đó là cái thời "hồn ai nấy giữ", người Bắc chưa hòa nhập với đời sống miền Nam, tâm lý tha hương còn nặng.

Phải đợi đến Hoàng Thi Thơ và Trịnh Hưng thì mới có dấu hiệu khai sinh một dòng nhạc đô thị Nam phần, hay nhạc bolero.

Các bài hát tiền chiến do cấu trúc phóng khoáng và lời ca quá lãng mạn không hợp với đối tượng công chúng nghèo, học không cao, ở xã hội miền Nam. Cần có một trào lưu bình dân hơn, phổ cập hơn—muốn vậy phải có những bài hát hội đủ các tiêu chuẩn: dễ thuộc (vì giai điệu cân đối), dễ cảm (diễn đạt đời sống thường nhật, tâm lý bình thường, không cao siêu triết lý) và phải "mùi mẫn" (kể những câu chuyện ít nhiều bi lụy ngang trái). Các bài hát ấy còn phải dễ hát và không cần đến một nền hòa âm phức tạp công phu, có thể hát "chay" gõ bàn điểm nhịp, hát với một đàn guitar gỗ có khi long dây gãy cần: vậy thì tiết điệu bolero Cuba (nhịp 2/4) tỏ ra tối ưu cho các yêu cầu trên. Từ đây, chúng ta có dòng nhạc đô thị miền Nam.

Với các nhạc sĩ xuất thân từ "lò" Trịnh Hưng, Hoàng Thi Thơ. Với các ca sĩ học trò của nhóm Lê Minh Bằng. Với sự yêu chuộng của hầu hết tầng lớp thị dân. Sau tiền chiến, là bolero. Những gì ngoài bolero—nhạc phản chiến, nhạc tình "cao cấp", nhạc thiền, nhạc trẻ—chỉ là thiểu số và không thuộc vấn đề đã khoanh vùng ở bài viết này.

Tiết tấu thì đã nói bên trên, còn giai điệu bolero xây dựng trên các thang âm đơn giản (không nhất thiết là ngũ cung hơi Bắc hơi Nam, tức là không nhất thiết phải có mùi "trữ tình quê hương") và chuyển hành hợp âm vô cùng dễ, chỉ cần biết ba hợp âm là đệm bolero được. Đa số viết ở giọng thứ (gốc latinh của bolero cũng viết giọng thứ), tuân thủ khúc thức cân phương, chẳng bao giờ chứa đựng những chi tiết "đoán mãi không ra"—vậy bolero có thể được xem như một thứ nguyên liệu gốc, ai muốn học sáng tác ca khúc đều có thể đi từ nó.

Ngoài hai tên tuổi Trịnh Hưng và Hoàng Thi Thơ, bolero còn có các đại diện lừng lẫy: Nhật Ngân, Lê Minh Bằng, Trúc Phương, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Thanh Sơn, Khánh Băng, Châu Kỳ, Anh Việt Thu, Huỳnh Anh.

(...)

Hát bolero như thế nào?

Bolero cần được hát bằng giọng bạch thanh (không cộng minh các khoảng vang xương hàm), tức là cùng nguyên tắc khi ca vọng cổ. Đã bạch thanh, thì chẳng thể nào che giấu bù trừ được những khuyết điểm về giọng; bởi thế ca sĩ bolero phải có giọng bẩm sinh đẹp, làn hơi dài phù hợp. Cách phát âm thì cần chuẩn xác, rõ lời rõ tiếng, cuối câu rung hột sao cho đẹp và mùi mẫn, không bao giờ được lúng búng trong cổ hay là nuốt chữ. Luyến láy cần ngọt, mịn, dịu; xử lý tiết tấu cần thông minh sao cho tạo ra các cụm từ có nghĩa dễ hiểu, có quyền biến báo sửa đổi tiết tấu một chút nhưng không lơi nhịp quá đáng, không ngắt chữ ngang xương nửa vời, không ứng tấu (improvise) giai điệu tùy tiện. Ca sĩ hát bolero ngày xưa được các thầy hướng dẫn từng câu, láy chỗ nào, ngân rung chỗ nào thật kỹ càng. Và nhất là phải hiểu và cảm được câu chuyện kể trong bài hát.

Thanh Thúy phát âm thường thêm "g" và "t" thành "c" theo kiểu Huế, sửa đôi chút giai điệu; Thanh Tuyền và Sơn Tuyền phát âm giọng Nam (Thanh Tuyền hát đẹp hơn, làn hơi phong phú hơn); Trang Mỹ Dung nhả chữ chuẩn xác, ngắt hơi hợp lý và hầu như trung thành với văn bản gốc; Phương Dung có đài từ bẹt, đãi chữ hơi quá; Giao Linh có làn hơi buồn rầu, nức nở; Hương Lan hát "sạch", tinh khiết; Phương Hồng Quế hát đẹp những quãng nhảy xa; Như Quỳnh và Lệ Quyên mới mẻ và nhiều biến báo vi tế; Phi Nhung và Cẩm Ly giàu cảm xúc, chân phương nhưng theo kiểu đương đại. Phía nam ca sĩ, Chế Linh tự ông đã không đối thủ vì làn hơi chất chứa bi kịch trời cho; Duy Khánh và Giang Tử rên xiết; Nhật Trường ấm áp như ru và cũng là tác giả chắc là duy nhất viết bolero điệu trưởng.

(...)


Quốc Bảo

* Ghi chú: các đoạn trích đăng trên đây thuộc về một tiểu luận khá dài của tôi về nhạc vàng đô thị Saigon. Toàn văn sẽ được đăng tải trên báo trong tương lai.

Nguồn: trang FB của nhạc sĩ Quốc Bảo



Bình luận

Đăng Nhập/Xuất