Nguyễn Hoàng
19.7.2009

Ðịnh nghĩa thế nào là nhạc sến thì cũng khó. Có người cho rắng, từ sến xuất phát từ "on sale" thì hơi võ đoán, vì "sale" hay "on sale" người ta đã gọi đúng tên là đồ "xôn" hay "bán xôn" rồi. Nhiều người nghiên cứu cho rằng nó xuất phát từ bộ phim có nhân vật Mary Shell, dân gian đọc là Mary sến rồi chết danh từ đó.

Từ "sến" này xuất hiện ít ra là trên 35 năm và vẫn còn sống tới bây giờ. Không chỉ trong âm nhạc, từ sến cũng dùng để chỉ những điều gì mang tính chất quê quê nhưng bắt chước làm sang, như ở thị thành. Nói cách khác, trạng thái lưng chừng, chân quê không ra chân quê mà phố thị không ra phố thị. Người ta thường dùng từ này để châm chọc nhau chơi chứ không phải là phê phán, miệt thị nặng nề. Những chàng, nàng thích bài "Căn nhà màu tím" , mặc áo chim cò, thêm ví dụ nữa: ở Huế mà bắt chước giọng nói Sề goòng, Hà lội; nói tiếng Việt chưa chuẩn mà ưa chêm tiếng tây chẳng hạn thì cũng được xếp vào thành phần "sến".

Trong nước từ trước đến nay một cách không chính thức, người ta phân chia nhạc ra thành những loại nào nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc xanh rồi nhạc sến, nhạc không sến, dân ca, nhạc cổ, tân nhạc, vọng cổ cải lương, tân cổ giao duyên,.... nói chung cách phân loại này có phần giao khác rỗng. Cái gọi là nhạc sến chỉ phát sinh ở miền Nam trước đây và sống đến bây giờ còn nhạc ở miền Bắc hình như không có bài nào gọi là sến thì phải.

Vậy thế nào là nhạc sến ? Có thể phân loại dựa vào vài dấu hiệu sau:

1. Về hình thức và nhịp điệu: Phần lớn các bài được cho là nhạc sến thường được viết theo các điệu Boléro, Rhumba, Tango Habanera, thi thoảng có thêm các điệu bốc như là Twist, Surf, ... ít bài được viết theo điệu Valse, Boston, Fox, Tango Argentine, Slow, Pasodoble ... bị gọi là sến.

2. Về ca từ: Viết tương đối dễ dãi, đôi lúc quá dung dị. Những ví dụ minh hoạ thì rất nhiều. Những bạn già hay sồn sồn sống tại miền nam vô tình hay chủ ý, ít nhiều cũng đã nghe và nhớ. Xin kể lại đôi bài để quý vị nhớ cho vui hay là các bạn nào thích sưu tầm, nghiên cứu nhạc sến có vài mẩu "tư liệu" để "ngâm cứu". Ðặc biệt những bài viết cho lính Sài gòn thì "đại sến". Ví dụ:

  • Lính mà em I, II,
  • Một trăm phần trăm (Một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm: bài này bây giờ hô lên để nhậu chắc là hay!)
  • 24 giờ phép (... ta đưa ta về nguyên thuỷ loài người ... : Vi Thuỳ Linh chắc chi đã táo bạo bằng)
  • Bông cỏ may( ... anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may, ở đây êm vắng, thưa người, còn ta với trời. Thời gian vào đêm....)
  • Căn nhà màu tím ( ... được nghỉ năm ngày phép, mất hai hôm làm quen,.... ngày lành hăm sáu, 20 chiếc xe màu, chở đám cưới cô dâu...)
  • Ðám cưới nhà binh (đừng chê anh lính, đám cưới nhà binh em ơi, em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời...)

Những bài sau đây không liên quan đến lính nhưng cũng "đại sến" như:
  • Tuyết lạnh (Tại em đó nên duyên mình dở dang, ... Một căn nhà nhỏ, đôi trái tim vàng..),
  • Hai đứa giận nhau ( Trả lại cho em mảnh khăn hồng đó,... trả lại cho em tình thư ngỏ ý...)
  • Không phải tại chúng mình (Không phải tại anh cũng không phải tại em, tại trời xui khiến nên chúng mình yêu nhau...)
  • Ðổi thay (... đời người con gái, một lần mất người yêu, dang dở cuộc đời...)

Loại sến vừa vừa hoặc không sến tuỳ theo người:

  • Căn nhà ngoại ô,
  • Hai mùa mưa (lời bài hát có đoạn như hai anh chàng pê-đê nói với nhau: Hai đứa vui chưa vơi tâm sự, hôm sau anh lên đường... từng cơn mưa vẫn rơi não nề, anh nói một năm nữa anh về...)
  • Con đường xưa em đi ( ... con đường xưa em đi, thời gian có quên ghi, đá mòn kia vẫn ghi. Ghi một đêm trăng thanh, quán bên đường vắng tanh, chỉ còn em với anh!)
  •  Ðêm buồn tỉnh lẻ (bài này chắc nhiều vị hay đi xe, đi tàu biết vì nó được bà con hành khất cải biên như sau: .... Cám ơn người đã giúp đỡ cho tôi, nuôi thân tôi ngày hai bữa. Suốt đời tôi mang ơn của cô bác, hẹn kiếp sau xin đáp đền....)
  • Một người đi (... Chinh nhân ơi, xin anh chớ buồn, người yêu anh còn đó, người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời,...)
  • Tạ từ trong đêm...

Còn một loạt các bài hát viết cho tuổi học trò đôi lúc cũng bị cho là sến. Chẳng hạn: Nỗi buồn hoa phượng (Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,... Giã biệt bạn lòng ơi, thôi nay xa cách rồi, kỷ niệm mình càng nhớ mãi,...)

  • Họp mặt lần cuối (Còn buổi họp cuối cùng này thôi... Phượng vẫn rơi, xác phượng tả tơi. Nghe tiếng ve réo gọi hồn tôi,...)
  • Tuổi học trò (Quay về kỷ niệm lúc còn học sinh, tà áo đoan trinh...)
  • Trường cũ tình xưa (Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ... Cây dương đầu tường còn khắc hàng tên, hoa leo phủ phàng đan kín,...)...

Phần lớn những bài này do NS Thanh Sơn viết, giới học sinh phổ thông "quê" kỳ xưa hay hát, kiểu như bây giờ học sinh thích hát nào là "Tình thơ", "Chiều thu nhớ trường", Chia tay tuổi học trò", v.v...

Một giòng nhạc khác mang nặng tình quê hương, có thể bạn trẻ không thích nhưng không thể gọi là sến. Chẳng hạn loạt bài của NS Hoàng Thi Thơ thuở trước:

  • Gạo trắng trăng thanh (Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về.) Bài này bị xuyên tạc lời nhiều, chẳng hạn: Ði lông nhông trên cầu Bông, rớt xuống sông ướt cái quần ny lon...
  • Trăng rụng xuống cầu (Ðêm nay bao con thuyền ...)
  • Duyên quê (Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà anh biết yêu trăng đẹp ngày rằm...), sau này lại có Cô Thắm về làng,
  • Trên đồng lúa vàng (.. ta yêu nhau trên đồng lúa vàng...)
  • Tình lúa duyên quê (Mây bay qua, ánh trăng chiếu dần vào ruộng đồng bao la...) mà một thời cặp ca sĩ Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết từng hát.
  • Chùm bài hát của NS Phạm Thế Mỹ cũng đậm đà tình quê hương, tình bạn ( Thương quá Việt Nam, Trăng tàn trên hè phố, Những ngày xưa thân ái...)

Ôi ôi, nhiều lắm. Không biết các bài như là "Chuyện tình Lan và Ðiệp" (dựa vào truyện "Tắt lửa lòng" của Nguyễn Công Hoan,) "Chuyện người Trinh nữ tên Thi", " Ðồi thông hai mộ", "Những đồi hoa sim" (dựa ý thơ của Hữu Loan) có sến không nhỉ?

Các ca sĩ chuyên trị hát những bài này là: Hùng Cường và Mai Lệ Huyền, Thanh Tuyền, Giao Linh, Chế Linh, Duy Khánh, Phương Dung, Trang Thanh Loan, Nhật Trường (à còn loạt bài giọng rền rền của Trần Thiện Thanh, do chính tác giả Nhật Trường hát nữa.)

Bây giờ nếu các bạn về vùng sông nước miền Tây nam bộ, các bạn sẽ được thường xuyên nghe các điệu nhạc Boléro, từ những bài cũ trước đây hay những bài mới sau này. Ai thấy sến thì sến, ai thích hát thì hát, chẳng chết chi ai. Ðôi lúc người ta đùa, chọc nhau chơi chứ không lấy gì làm căng thẳng, nặng nề hay "ác độc" như có người đã nói. Ai ưa nghe nhạc gì miễn sao hợp với thuần phong mỹ tục và khoái lỗ nhĩ thì cứ nghe. Ai ưa nhận định hay bình luận kiểu gì thì tuỳ họ.

Tớ viết linh tinh như thế này thì hoá ra mình cũng "sến" nặng rồi. Ai chịu khó đọc đến đây coi chừng cũng dính sến đó. Hi hi. Chúc mọi người vui.


Nguyễn Hoàng

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/hoang5601
Bình luận

Đăng Nhập/Xuất