Du Tử Lê
22/12/2009

Nguyễn Văn Đông

Một trong những nét đặc thù của cõi nhạc Nguyễn Văn Ðông là hình ảnh cùng những cảm nhận của ông về mùa Xuân. Ca khúc của họ Nguyễn viết về mùa Xuân chiếm một một con số không nhỏ, trong sự nghiệp âm nhạc của ông. Ngoài những ca khúc mùa Xuân xuất hiện ngay tự nhan đề của ca khúc như “Phiên Gác Ðêm Xuân,” “Nhớ Một Chiều Xuân,” “Dáng Xuân Xưa”... người nghe còn gặp thêm nhiều hình ảnh mùa Xuân trong nhiều ca khúc khác nữa, của ông.

Nhưng, nếu mùa Xuân lấp lánh, lảnh lót những hồi chuông hy vọng, phản ảnh niềm vui tái sinh của vạn vật sau một mùa đông dài; như mùa Xuân căng nhựa sống trong “Xuân Ca” của Phạm Duy: “Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha - Là xinh, là tươi có Xuân thuở xưa ước mơ hiền hòa - Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa - Vườn Xuân là Xuân có hoa ngày mai hát Xuân thật dài (...)Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống ngon - Tìm em gặp em đón Xuân nghìn năm bão Xuân ngập lòng...”

Hay lộc non và sữa ngọt trong ca khúc “Anh Cho Em Mùa Xuân” của Nguyễn Hiền (thơ Kim Tuấn): “Anh cho em mùa Xuân - mùa Xuân này tất cả - lộc non vừa trẩy lá (...)Anh cho em mùa Xuân - trẻ nô đùa khắp trời - niềm yêu đời phơi phới - Bàn tay thơm sữa ngọt - dải đất hiền chim hót - mái nhà xinh kề nhau...”

Hoặc tiếng chim, tiếng cười trong “Ðón Xuân” của Phạm Ðình Chương: “Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời - Vui trong bình minh, muôn loài chim hát vang mọi nơi - đem trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối - ánh Xuân đem vui với đời...”

Thì, mùa Xuân trong ca khúc của Nguyễn Văn Ðông, chẳng những không tiếng cười mà, ngược lại, đầy bóng đêm, chia ly và, tang tóc: “Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu - vì mơ ước trắng như mây chiều - tủi duyên người năm năm tháng tháng - mong chờ ánh Xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi - Chốn biên thùy này Xuân tới chi? Tình lính chiến khác chi bao người - Nếu Xuân về tang thương khắp lối - thương này khó cho vơi, thì đừng đến Xuân ơi!...” (Trích “Phiên Gác Ðêm Xuân”).

Hoặc: “Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm - một tình thương nơi phương trời cũ - chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá - chiều tàn dần phai trên ngàn lá - Tìm đâu bóng hình ai? - Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời - đợi mùa Xuân sang tô mầu nhớ - Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm - buồn tìm về tình ai đằm thắm - giờ vun vút trời mây...” (Trích “Nhớ Một Chiều Xuân”)

Giải thích về sự “bất thường” trong những ca khúc mùa Xuân của mình, Nguyễn Văn Ðông cho biết: Ông có những mùa Xuân buồn trong quãng đời thơ ấu, nhiều bất hạnh! Như gia đình lâm cảnh tang thương. Người thân yêu ly tán trong chiến tranh, ông mất mùa Xuân tuổi thơ khi cha mẹ bị tù đày. Lớn lên đi lính, ông lại thường bị ứng trực vào mùa Xuân ở các đơn vị hẻo lánh...

Nói về cõi nhạc của Nguyễn Văn Ðông với một chiều dài rực rỡ gần như phủ kín hành trình 20 năm âm nhạc miền Nam Việt Nam mà, khá nhiều ca sĩ, từng bước vào, ở lại, đập cùng một nhịp đập với trái tim ca khúc của ông. Trong số này, có hai nữ ca sĩ nổi tiếng, đến với đời nhạc họ Nguyễn rất sớm và, cũng rất sớm, dấy lên nhiều dư luận, đồn đãi... Ðó là ca sĩ Hà Thanh và Thanh Tuyền.

Về trường hợp nữ ca sĩ Hà Thanh, họ Nguyễn xác nhận: Hà Thanh hát nhiều nhất ca khúc của Nguyễn Văn Ðông. Hà Thanh từng phát biểu với báo chí thuở đó rằng, cái “air” trong nhạc Nguyễn Văn Ðông rất hợp với chất giọng Hà Thanh. Nên Hà Thanh đã rất hân hoan, mỗi lần cô được họ Nguyễn mời hát.

Nhưng duyên cớ nào đã đưa Hà Thanh, đứa con cưng của một Huế trùng điệp thành quách khép kín, dời cư vào Saigòn, để từ đó, trở thành một trong vài “phát ngôn nhân” tiêu biểu nhất, cho đời nhạc Nguyễn Văn Ðông thì, sự việc đó, có thể tóm tắt như sau:

Tác giả “Chiều Mưa Biên Giới” kể, ông gặp Hà Thanh lần đầu tiên vào năm 1963 tại Sàigòn. Khi ấy, họ Nguyễn là trưởng ban “Tiếng Thời Gian” của Ðài phát thanh Saigon, quy tụ nhiều tiếng hát nổi tiếng thời đó. Người đưa Hà Thanh tới gặp Nguyễn Văn Ðông cùng Ban “Tiếng Thời Gian” ở Ðài Saigon chính là nhạc sĩ Mạnh Phát. Lần đó Hà Thanh từ Huế vào thăm gia đình người chị cả ở Sàigòn, họ Nguyễn mời Hà Thanh hát một bài, lưu kỷ niệm cho ban “Tiếng Thời Gian.”

Sau khi nghe trực tiếp, họ Nguyễn cho rằng đấy là giọng ca thiên phú, hiếm hoi, khả năng chuyển tải hồn tính ca khúc vượt trội, cộng thêm căn bản nhạc lý vững... Từ nhận định này, hôm sau, Nguyễn Văn Ðông đã mời Hà Thanh thâu thanh bài “Về Mái Nhà Xưa” cho Hãng băng đĩa nhạc Continental. Buổi thâu được Ban Giám Ðốc Hãng và toàn thể Ban nhạc ưng ý và không tiếc lời khen ngợi... Rồi Hà Thanh trở về Huế. Vì tinh thần liên tài, họ Nguyễn đề nghị, được Ban Giám Ðốc Hãng Continental đồng ý: Mời Hà Thanh về Sàigòn cộng tác. Ông là người viết thư mời, phân tích, thuyết phục Hà Thanh... Và, Hà Thanh đồng ý.

Ngay tự bước chân thứ nhất ở Saigòn, Hà Thanh đã được các đài phát thanh và, hầu hết các hãng đĩa, các trung tâm băng nhạc ở Sàigòn luân phiên mời thâu thanh... Từ đó, song hành với những ca khúc bất hủ của Nguyễn Văn Ðông là, những nụ cười mà định mệnh đã gửi theo từng bước đi của Hà Thanh. Cho tới ngày cô lập gia đình. Ngưng bặt tiếng hát.

Về trường hợp nữ ca sĩ Thanh Tuyền (hiện định cư tại Hoa Kỳ) thì, người đầu tiên phát hiện tiếng hát Thanh Tuyền cũng là tác giả “Thương ca hải ngoại.”

Trong quá khứ, hơn một lần nữ ca sĩ Thanh Tuyền đã trả lời báo giới Saigon rằng: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông mà Thanh Tuyền quen gọi là “Thầy Ðông” chính là người đã đặt tên và tạo cho Thanh Tuyền có được sự nghiệp ngày nay...

“Ông giống như một dưỡng phụ của Thanh Tuyền vậy,” Thanh Tuyền nói.

Quay lại những thước phim cách đây gần nửa thế kỷ, người ta được biết: Năm 1964, khi tác giả “Mấy Dặm Sơn Khê” được đi nghỉ dưỡng sức ở Ðalat, các bạn ông làm việc ở Ðài phát thanh Ðalat kể với ông về một nữ sinh Trường Bùi thị Xuân, tên Như Mai (hằng tuần vẫn hát cho đài,) theo họ, là một tiếng hát đầy triển vọng, nếu được hướng dẫn đúng mức. Tin tưởng lời giới thiệu, họ Nguyễn đi gặp song thân của nữ sinh Như Mai. Gia đình chấp thuận cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông đưa Như Mai về Saigòn, để đào tạo thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Họ Nguyễn nhớ lại, khi ấy ông còn độc thân, ngày ăn cơm chợ, tối ngủ ở đơn vị, không thích hợp với việc chăm lo chuyện ăn ở, đi lại cho một thiếu nữ nhỏ tuổi, xa nhà như thế. Ông nhờ nhạc sĩ Mạnh Phát, một nhân viên dưới quyền ông, ở hãng băng đĩa nhạc Continental, tiếp tay. Mạnh Phát - Minh Diệu nhận lời. Hãng đĩa Continental lo mọi phí tổn ăn ở cho Như Mai. Nguyễn Văn Ðông đặt tên mới cho Như Mai là Thanh Tuyền: Dòng suối xanh của cao nguyên Ðalat...

Là một cô bé thông minh, dường như được sinh ra, để ca hát, nên chỉ trong vòng 8 tháng, tiếng hát Thanh Tuyền đã được thu băng, rồi được ra mắt công chúng. Khi ấy, mới vừa đúng 17 tuổi, Thanh Tuyền đã được mời hát, thu đĩa, thu băng, như một ca sĩ chuyên nghiệp, tên tuổi.

Cho tới ngày hôm nay, sau mấy chục năm, Thanh Tuyền vẫn không hề phụ lòng tin tưởng của “Thầy Ðông,” khi cô vẫn còn là tiếng hát đầu của nhiều chương trình cũng như băng video ca nhạc ở hải ngoại.

Trước khi chấm dứt bài viết về con “Thiên lý mã” của dòng âm nhạc miền Nam, 20 năm, chúng tôi muốn ghi lại ở đây, mối tình của họ Nguyễn với một người con gái, nơi quê hương của ông. Ðó là người được xác nhận là linh hồn của ca khúc “Về Mái Nhà Xưa,” một trong những ca khúc “tìm về” mà, tôi cho là hay nhất và, cũng cảm động nhất của nền tân nhạc miền Nam 20 năm.

Quý độc giả theo dõi bài viết này hẳn còn nhớ, Tây Ninh là nguyên quán của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông. Gia đình ông nguyên là điền chủ ở Huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Mỗi năm, vào những dịp giỗ chạp lớn, ông được cha mẹ cho về nguyên quán. Gần bên ngôi từ đường của dòng họ Nguyễn, là nhà ông Hương Cả, một chức sắc lớn nhất làng. Ông Hương Cả có một cô con gái xinh đẹp. Hai bên gia đình cùng giao ước kết thông gia khi hai trẻ lớn lên. Khi ấy tác giả “Về Mái Nhà Xưa” và cô bé kia, mới trên dưới 10 tuổi. Ở tuổi niên thiếu này, cả hai chỉ biết hẹn hò trèo cây, hái trái, hay chơi trò trốn bắt... (Những kỷ niệm ấy là tố chất cho họ Nguyễn sau này, viết được ca khúc nhan đề “Ðom Ðóm”). Tuy thơ dại nhưng tình bạn thắm thiết cũng đã đủ gây thành men nhớ nhung và, đôi khi nước mắt, cho mỗi lần đôi trẻ phải chia tay.

Họ Nguyễn kể, khi cách mạng mùa Thu 1945 bùng nổ, ông Hương Cả bị đưa ra trước tòa án nhân dân; lãnh bản án “cường hào ác bá.” Ông bị xử bắn. Xác ông bị thả trôi sông. Riêng cha mẹ nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông từ Saigon tản cư về, thì bị liệt vào hàng “địa chủ ác ôn.” Ông bà bị bắt làm tù lao công khổ sai. Tịch biên tài sản; sung vào quỹ kháng chiến. Gia đình ly tán. Cửa nhà tan nát. Dôi trẻ trôi giạt, mỗi người một phương. Họ bặt tin nhau!

Cuối thập niên 50, nhớ thương bạn, họ Nguyễn cải trang tìm về chốn cũ... Tận mắt nhìn thấy cảnh xưa điêu tàn và, những người làng còn lại, không một ai cho ông chút tin tức nào về người con gái của ông Hương Cả! Về lại Saigòn, họ Nguyễn viết: “Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn - Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn - Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế - qua đáy tim chưa đục sông mê (1) - qua ước mơ duyên tình đơn sơ - Về đây đâu phút xưa vui sum vầy - thềm hoang thêu nắng, phượng thắm rơi đầy - anh có nghe trong lòng thu chết - bao lá khô phai nhạt hương đêm - tan tác bay phiêu bạt giữa trời quê - Nơi xưa quê nghèo, nhà tranh nát tiêu điều - tình xưa khôn hàn gắn - người đã đi rồi - người về đâu có hay - đâu vòng tay đắm say?...” (Trích “Về Mái Nhà Xưa.”)

Tôi vẫn nghĩ, những người sinh trong hai thập niên 1930 và, 1940 ít, nhiều đều là nạn nhân của cuộc chiến miền nam 20 năm. Ðổ vỡ, chia ly, tuyệt vọng... là thuộc tính của hoàn cảnh loạn ly này. Nên, tôi mong, người phụ nữ, linh hồn của ca khúc vừa kể, nếu còn đâu đó, tình cờ đọc được những hàng chữ này, xin hiểu rằng, cách gì, sự lỡ làng một đời của bà, chí ít cũng được ghi dấu trong sự nghiệp âm nhạc phong phú, bất tử của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông... Trong khi hàng ngàn, hàng triệu những cuộc tình ly tan, oan khốc khác, cũng chìm vào quên lãng. Dù những cây phượng vĩ, mỗi năm vẫn cho chúng ta những cánh hoa rực rỡ, và, những chiếc lá khô vẫn tiếp tục “phai nhạt theo hương đêm” vậy.


Du Tử Lê
22/12/2009

Chú thích:

(1) Câu hát “qua đáy tim chưa đục sông mê,” có bản chép là “qua trái tim chưa đọng song mê,” theo tác giả là sai và, vô nghĩa. Giải thích về hai chữ “song mê,’ họ Nguyễn kể, Tây Ninh, nguyên quán của tác giả, có Thánh Thất Cao Ðài, rất nổi tiếng. Theo các vị trưởng lão, tín đồ Cao Ðài thì chuyện luân hồi, hóa kiếp theo truyền thuyết của đạo Cao Ðài, có thể tóm tắt như sau:

Con người khi chết, ai cũng bị quỷ sứ dắt hồn xuống âm phủ, để Diêm Vương xét công, luận tội. Kẻ ác bị đưa vào địa ngục thọ hình. Người tốt được trở lại trần thế, làm người. Trên đường đi hóa kiếp, quỷ A tu la dẫn hồn đến một nơi gọi là bến Mê, rồi băng qua một chiếc cầu gọi là cầu Giải kiết. Cầu này bắc ngang qua sông Mê. Ðến giữa cầu, quỷ A tu la xô hồn xuống sông. Hồn gào thét vùng vẫy kêu cứu, làm vẩn đục cả dòng sông. Khi hồn kiệt sức, ngất đi, lúc đó, quỷ A tu la mới vớt hồn lên dẫn đi tiếp về dương gian. Từ đó, hồn không còn nhớ gì về kiếp trước của mình nữa...

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com