Hữu Du
10.2015


Ludwig Van Beethoven (1770-1827)

Nhiều năm tháng trôi qua, tôi vẫn còn nhớ lần đầu bị cuốn hút, mê hoặc bởi những chùm âm thanh huyền hoặc, bay bổng như lạc vào một giấc mơ, lạc vào xứ sở diệu kỳ của một thế giới hư ảo mà bản nhạc mang lại. Rồi có những đêm trăng, thiếu hơi ấm bạn bè, thiếu chất men nồng do chưa uống được rượu, tôi nằm dài trên chiếc giường đơn, tắt ngọn đèn điện vàng vọt trên bàn viết mặc cho bóng tối bao phủ, chờ phút giây nghe thấy bước chân khẽ khàng của ánh trăng bàng bạc chảy lai láng vào hồn, khi những chùm âm thanh nhẹ nhàng, chậm rãi, buồn buồn của bản Sonate được cất lên trong đêm tối.

Cho đến tận hôm nay, khi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với bản ghi nốt nhạc tổng phổ và tìm hiểu thêm về tác giả, xuất xứ bản Sonate, mới thấy những cảm thức sơ khai, ban đầu của mình cũng thật xác đáng. Đó là bản Sonata viết cho piano số 14 Op.27.No 2, tên riêng của bản nhạc được Beethoven gọi "Sonata quasi una fantasia"; tiếng Anh "Moonlight Sonato" do một nhà phê bình âm nhạc người Đức Ludwig Rellstab đặt tên, khi so sánh những giai điệu mượt mà trong chương I của tác phẩm này với bản "Ánh Trăng Trên Hồ Lucerne" sau khi Beethoven mất vài năm sau đó.


Ở chương I, Adagio, cung đô thăng thứ (Cm#), nhịp 4/4, nhẹ nhàng, tình cảm. Các chùm nhạc liên ba chậm rải, trầm buồn, đều đều, lặp đi lặp lại, lướt thướt chảy trôi trong phần mở đầu. Cao độ chuyển lên dần, nhấn mạnh từng nốt cuối liên ba và phần bè đệm như hình ảnh các bờ ruộng bậc thang... để vào giai điệu chính bằng những nốt cao, (quãng 8) trong trẻo, thánh thót, ngân dài: sol...sol sol........./ sol...sol sol.........la/......../sol........fa si mi, (tạm phiên âm thành lời: người yêu ơi/ người yêu ơi (8 Lần)......người yêu hỡi/ người yêu hỡi (8 lần)// Trăng... lên cao......../Trăng... lên cao..../sáng..../ trăng...rồi trăng thanh). Ở đó hiện ra hình ảnh một chàng nghệ sĩ buồn tình, đi lang thang vô định trên những con đường trong kinh thành Vienne, thủ đô nước Áo, rồi dừng lại, ủ rủ trên chiếc cầu bắc ngang sông. Đó là một đêm trăng sáng, ánh trăng trải đều trong không gian im ắng, phản chiếu lấp loáng trên dòng Danuble. Có chút gì đó lãng đãng như tiếng lá nhẹ nhàng rơi, tiếng sóng nước ì oạp vỗ nhẹ đều đều. Như nghe cả tiếng trăng vỡ thành những mảnh vàng; có chút đứt quãng của tư duy như đè nén cảm xúc đang muốn vỡ òa. Những chuỗi âm thanh quyện vào nhau, uốn lượn từ thấp lên cao dần, tạo quãng rộng để âm thanh dâng tràn, đầy cảm xúc.


Sang chương II, Allegretto, cung rê giáng trưởng (Db#) thật vui tươi, duyên dáng. Tiết điệu chuyển sang điệu thức trưởng. Vẫn là những liên ba, điệp thanh nối tiếp nhau nhưng cao hơn, dồn dập, tươi vui hơn. Âm thanh nghe như tiếng bước nhảy chân sáo, tiếng chim gọi bầy, tiếng xao động của phố phường. Sự thay đổi đột ngột cao độ ở quãng rộng đó tạo sự reo vui, sự bất ngờ tiếp nối và tiếp diễn không ngừng. Đây có lẽ là lúc tâm hồn nhà soạn nhạc đã trở lại sự bình thường yên tĩnh. Bởi vì, trước đó, ông đã trải qua một giai đoạn đau đớn cùng cực, cô đơn cùng cực trong cuộc đời. Ông buồn bã và chán nản tột cùng vì cái chết của ông hoàng nước Đức, là ân nhân và như người cha thứ hai của ông. Cộng thêm quãng đời tuổi trẻ sống thiếu tình thương, cha nát rượu, mẹ mất sớm, anh em không giúp được gì cho nhau...thêm bệnh tình (viêm tai giữa, điếc) ngày càng trầm trọng khiến ông luôn trong tình trạng căng thẳng, cau có. Nhiều lúc quá thất vọng, muốn tự tử cho xong.

Như giọt nước làm tràn ly, thế là số phận của bản "Sonate Ánh Trăng" đã được định đoạt bởi một sự kiện trong đời tình ái. Sau lúc cô học trò học dương cầm 17 tuổi- nữ bá tước G. Giulietta Guicciardi- cự tuyệt tình yêu, nỗi buồn đau đã dẫn lối ông giữa đêm trăng bước đi trong tuyệt vọng, để rôi tình cờ gặp cha con cô gái mù ở một khu lao động. Nghe cô gái mù chơi đàn và bày tỏ mong muốn được "một lần nhìn thấy ánh trăng trên dòng sông Danuble". Nhạc sĩ xúc động dâng tràn, ngồi vào chiếc đàn dương cầm, nhờ âm nhạc chấp cánh ước mơ cho cô gái mù đáng thương; và, những nốt nhạc mở đầu cho bản Sonata...đã ra đời.


Chương III, chương cuối, Presto agitato, cung Đô thăng thứ (Cm#) thật khác hẳn, nồng nhiệt, mạnh mẽ, mãnh liệt như cuồng phong, bão tố. Tiết điệu cực nhanh, những Arpère (hợp âm rải) chồng chất lên nhau, điệp trùng, khiến cường độ tăng mạnh. Âm điệu réo rắt, điệp âm, điệp đoạn, có sự bứt phá, mạnh mẽ như sóng biển tuôn trào...có tiếng suối reo vui, tiếng hò hét, sự tưng bừng của điệu luân vũ, cả tiếng nhạc ngựa, tiếng gió cuốn...ạt ào cảm xúc. Đoạn hồi tống êm ái, dìu dặt, trở lại điệp khúc vui, chủ âm của chương III này và kết thúc bằng những chuỗi âm thanh liên hoàn mạnh mẽ, thanh thoát và dứt khoát. Những đám mây u ám như đã được vén lên, ánh trăng sáng vằng vặc trong đêm đen, soi thấu tâm hồn những con người không được cuộc đời ưu ái; những sầu đau như được rủ bỏ, những mong ước tươi sáng lại được nhen lên...Trăng rọi sáng khắp kinh thành Vienne, phả ánh sáng vào tâm hồn, đôi mắt cha con cô gái mù; làm sáng lên niềm tin của một trái tim khô lạnh, u ám vì tình đời của chàng nghệ sĩ tài hoa Beethoven.

Hai thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Ludwig Van Beethoven mất, bản "Sonate Ánh Trăng" vẫn luôn là bản nhạc viết cho dương cầm được nhiều người yêu thích nhất mọi thời đại. Nó như một bản trầm ca, hoan ca, thánh ca có sức quyến rũ nhũng người có tâm hồn mạnh mẽ, đủ sức nâng đỡ những tâm hồn mỏng manh yếu đuối. Bản "Sonate Ánh Trăng" sẽ luôn chiếu rọi thứ ánh sáng dịu dàng, huyền ảo, bàng bạc vào hồn của những ai yêu âm nhạc, muốn tìm đến với thiên tài âm nhạc Beethoven.

Phố biển,
Tháng 10-2015
Bình luận

Đăng Nhập/Xuất