Văn Trang
1959



Với óc tò mò say mê của một nhà chiêm tinh thám hiểm, tôi thường âm thầm theo dõi một hiện tượng sau xuất hiện trong vũ trụ thi ca: Có những vì sao, bỗng một đêm nào đó, hiển hiện lên sáng ngời, khiến ta phải chú ý đến, chú ý đến chưa xong xuôi thì đã vội tắt đi đột ngột đến nỗi ta tin đây là một sự vĩnh-biệt. Nhưng không, rồi một đêm không chờ không đợi, những vì-sao huyền bí kia lại hiện về sáng ngời hơn xưa. Lần này, ta không thờ ơ nữa, ta bắt đầu theo dõi cẩn thận, tâm nhớ dạ ghi phương hướng. Và ta thấy, trong thời gian xoay vần, những vì sao đó thỉnh thoảng lại hiện về, càng ngày càng sáng ngời hơn, để rồi hôm nay với ta trở thành một hiện tượng quen thuộc dù hiếm hiện.

Ở đây, tôi muốn nói riêng đến một trong những vì sao của vũ trụ thi-ca: Cung Trầm Tưởng.

Tên này thật ra chẳng xa lạ lắm với ta. Tôi đã âm thầm theo dõi Cung Trầm Tưởng từ ngót mười năm nay. Từ lúc anh bắt đầu xuất hiện bằng ánh sáng những bài thơ rừng hoang-vu. Những bài thơ này đăng rải rác trong những tạp-chí văn-nghệ mà nay tôi chỉ còn nhớ một vài tên như Mới, Phổ-Thông Trường Luật, Quan-Điểm, Đất-Đứng, Sáng-Tạo…

Để có một ý niệm liên tục về thơ Cung Trầm Tưởng – ý niệm này sẽ giúp ta hiểu rõ them nguồn thơ của “Tình Ca” mà tôi sắp nói đến – tôi xin trích một vài đoạn những bài thơ rừng nói trên:

Sông ơi! Bạn những cồn hoang
Chị khôn phố phủ, em ngoan bản rừng.
Tình ta lũng xóm mịt mùng,
Đìu hiu quán nhỏ, chập chùng núi cao.
(Tập Bản Thổ - Đà-Giang)

Chòm là trúc chao mình ôm xóm vạn,
Về họp làng trên bãi cát ven song.
Những con cò, con xếu, những con nông:
Em viên bản anh rừng châu suối phủ.

Hoặc:

Hồn tôi cái đĩa thâu thanh
Tròn nguyên ý nhạc, trung thành ý ca.
Do ré mi fa sol la…
Ngẫm từng âm điệu, nghe ra chiều buồn
(Tập Bản Thổ - Chiều)

Hơi thở của Cung Trầm Tưởng rào rạt như vậy. Ý thơ Cung Trầm Tưởng đậm đà như vậy. Thế mà, bỗng một sớm một tối, vì sao Cung Trầm Tưởng lặn đi, lặn đi một thời lâu (hơn ba năm), để ta bàng hoàng ngơ ngác. Hỏi ra mới biết người thơ trẻ tuổi này đã xuất dương sang Pháp để trau dồi tri thức, sau khi đã đỗ xong Tú Tài.

Dù Cung Trầm Tưởng vắng mặt lâu, tôi vẫn đôi khi nhớ đến anh qua những vần thơ trên ngâm đi ngâm lại. Rồi cuối 1956, anh trở về Việt-Nam. Ngay sau đó, tôi được nghe Tao Đàn trình diễn thơ anh.

Nhạc thơ rào rạt ấy còn ngâm vang đến hôm nay, tôi cầm chắc trong tay tập Tình Ca mà Cung Trầm Tưởng vừa cho xuất bản, trong đó có sáu bài Phạm Duy phổ nhạc và hay bức minh họa của Ngy Cao Uyên.

Đọc một đêm xong “Tình Ca”, tôi sung sướng nghĩ: những vì sao dù có xoay vần đến đâu thì rồi thế nào cũng lại trở về bầu trời chúng ta, như “máu trở về tim”.

Cung Trầm Tưởng đi Pháp học lâu năm – Cung Trầm Tưởng đã trở về Việt Nam, lăn lộn với cuộc sống. Từng ấy năm đầy đọng biến cố có làm thay đổi tâm trạng thơ Cung Trầm Tưởng không?

Đó là câu hỏi duy nhất tôi tự đặt ra trước khi đọc “Tình Ca”. Đọc xong, tôi có nhận xét rõ rệt như sau:

Cung Trầm Tưởng vẫn là người của thương yêu tha-thiết. Ngày xưa yêu rừng, yêu núi, yêu song. Ngày nay yêu tình, yêu đàn bà, yêu cuộc đời. Ngày xưa cũng như ngày nay, Cung Trầm Tưởng không bao giờ buông ngừng hơi thở rào rạt cố hữu của anh. Quá khứ đi đến hiện tại không trên đường rầy của ly dị. Quá khứ đi đến hiện tại bằng một chuyến tàu trầm trầm, nặng đầy tình cảm, tuần tự từ ga đầu đến ga chót, qua những rừng, núi, song đến nguồn băng, phố tuyết, thị thành, đến tình yêu, đàn bà, đến cuộc đời. Ở mỗi chốn dừng chân, anh đều để lại ngần ấy thiết tha.

Chỉ có một điều khác, nó nằm trong địa hạt diễn tả. Cung Trầm Tưởng bộc phát ra ngoài bao nhiêu thì ngày nay lại trầm thu vào trong, nghe chừng mênh mang hơn.

Ta nghe đây người thơ ca ngợi cuộc đời:

Nhạc đời âm ti
Hờn rên chín suối?
Không không gió lộng
Thổi rộng thiên đàng…
Ta còn yêu ta …
(Tập Tình Ca – Tình Ca)

Người thơ thấy thiên đàng chẳng ở đâu xa, ở ngay chính cuộc đời này, nếu có thương yêu.

Ta có thể phân “Tình Ca” ra làm hai đoạn: đoạn ly hương trong đó Cung Trầm Tưởng ca ngợi tình yêu vạn vật, đàn bà với lòng tha thiết cố hữu của anh, và đoạn hồi hương trong đó Cung Trầm Tưởng đã tỏ rõ ra dù có sống xa đất nước lâu năm, anh vẫn trở về như “máu trở về tim”, yêu thương thêm đậm đà.

Đoạn ly hương:

Ta nghe đây người thơ với mùa thu, nhất là với mùa thu có tình yêu, nghĩa là có chờ đợi:

Mùa thu đêm mưa,
Phố cũ hè xe,
Công-trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá,
Không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu
người em mắt nâu
tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chin đỏ trái sầu
(Tập Tình Ca – Mùa Thu Paris)

Thật sung sướng cho Michèle khi được người thơ yêu. Săn sóc giấc ngủ đến như sau thì thật là ân-cần-chu-đáo:

Lửa vĩnh-viễn khi tay người nối bấc,
tôi còn xin cầu trợ ánh trăng yên;
xin hòa mơ lá mộng kéo rừng tiên
nhập đoàn với bóng hồn tôi hộ-tống.
(Tập Tình Ca – Michèle)

Tình Ca chẳng nguyên chú trọng về tình yêu đàn bà – Cung Trầm Tưởng đối với cảnh vật cũng tỏ ra ngần ấy lưu ái thiết tha. Có điều đặc biệt là anh nhìn cảnh vật đất người với một con mắt rất Á Đông. Trời và đồi nương Provence có “Provence” đến đâu, anh vẫn rất chủ-quan:

Về đây tôi lại gặp tôi
lang thang lối cũ, trước đồi sau nương
Ngô đồng lả ngọn thuần lương,
Trời cao không đỉnh, mến thương không bờ
Cố tri khóm hạnh bây giờ,
Vẫn màu niên-cổ khoác chờ mối xưa.

Hoặc

Chân vui lối rộn khôn cùng,
Gần xa trời mở vòng cung thâu vào.
Chân phương long thấy nao nao,
Với muôn thương mến lên cao hôn trời
(Tập Tình Ca – Về Đây)

Cung Trầm Tưởng đả tõ ra rất sở-trường về thể thơ lục bát. Những vần, những ý, những hình ảnh nối tiếp nhau, khó mà tách rời được, tôi đành viết trọn ra đây bài Khoác Kín:

Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
Ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
Tàu như dưới tỉnh núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
Với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
Với mây trên nhợt ánh tà;
Với đèn xóm hạ cũng là tịch-liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
Tâm tư khoác kín, sợ chiều lạnh thêm.
(Tập Tình Ca – Khoác Kín)

Đoạn hồi hương:

Đi xa trở về, Cung Trầm Tưởng đã tỏ ra không bị “Tây-hóa”. Khi yêu cũng biết kiên chờ, độ lượng như bất cứ một người Á Đông nào khi yêu. Khi vịnh cảnh thì cũng rất cổ điển, tinh-vi như một họa sĩ thủy mạc.

Người thơ trở về đất nước, tỉnh thành, lòng rào rạt thương yêu:

Vì tâm tư còn say hương mới lạ
Tôi còn yêu nên mới hẹn trở về
Với vui vui đêm quán nhỏ cà-phê
Câu anh phiếm với lời tôi túy lúy

Hoặc:

Nay mưa gió từ chiều xa hoang dại,
Hẹn vui ngày đoàn-tụ có tôi đây.
Chút thơ yêu xin ké hội xum vầy
Ôi phố thị chiều nay sao náo nức!
Tôi còn yêu còn yêu tôi còn yêu….
(Tập Tình Ca -Tôi còn yêu còn yêu tôi còn yêu)

Người thơ trở về, mối tính nơi đất người đành lỡ dỡ, đành xin hẹn kiếp sau:

Thôi em xanh mắt bồ câu,
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau
(Tập Tình Ca – Kiếp Sau)

Ngoài đặc tính trữ tình ra, “Tình Ca” còn chứa những hình ảnh rất đẹp:

Những mái nhà trùng điệp,
Từng toa nối từng toa,
Chở nặng chiều dương thế
Về hoang phế đêm khuya
Những vì sao bến kiệt.

Hoặc

Mái đầu tôi không tóc,
Chiều nay là một nóc nhà thờ,
Mang linh hồn giáo-chủ,
Thân xuôi và tay ngang
Làm một cây Thánh Gía
Mang lên cắm đất những vì sao.
Những mái nhà, những vì sao
Cùng chung một thế-giới.
(Tập Tình Ca – Những mái nhà, những vì sao)

Để kết luận: ngoài một bài khuyết điểm về ấn loát, “Tình Ca” có thể đáng lá một trong những tập thơ trình bầy đẹp nhất trong vòng mười năm nay.

Văn Trang

Nguồn: Tạp chí Trẻ số 2, năm 1959 (đăng trong trang FB của Nguyễn Trường Trung Huy)