Quốc Bảo
9.12.2013

Mỗi tuần, tôi nhận được hơn mười lời tự giới thiệu từ các bạn trẻ, rằng em hát thế này thế kia, em muốn làm ca sĩ. Có vẻ như cả nước biết hát và nước Việt tương lai chỉ còn mỗi một nghề là nghề ca. Đó là chuyện thời đại này, còn ba mươi năm trước, thì cả nước biết đàn biết nhạc. Thời khởi nghiệp của tôi (1986) trùng khít với giai đoạn các phong trào ca khúc chính trị chết đi và kinh tế thị trường thống soái; hệ quả của nó là không còn những sân khấu nhạc pop quần chúng giá rẻ như cho không, muốn nghe nhạc hay thì phải đến vũ trường, tụ điểm lớn.



Đó là khi tôi hai mươi tuổi. Không kể các bậc đàn anh đã thành danh từ lâu như Lý Được, Trung Nghĩa, Mạnh Trinh ở nhạc nhẹ hoặc Phùng Tuấn Vũ, Châu Đăng Khoa, Huỳnh Hữu Đoan ở cổ điển, trang lứa chúng tôi đã may lắm mới được một người kiếm sống bằng nghề nhạc (nhạc công) và hiển nhiên những người may mắn ấy được ngưỡng mộ. Đặng Minh Quang, nick là Quang Bờm, là một cái tên như vậy. Anh nổi tiếng sớm, rồi tham gia sinh hoạt âm nhạc thương mại không đứt đoạn suốt mấy mươi năm. Cái thời cả nước biết đàn, bánh nhỏ mà kiến nhiều, đâu có dễ chen chân. Bởi vậy, để tồn tại—hay đúng hơn là để đeo bám được ước mơ, sở thích, để chứng tỏ cho gia đình thấy là mình không lầm lạc không vô tích sự học xướng ca vô loài, thì phải có cách.

Cách của tôi là thay vì chạy vạy kiếm một chỗ làm ban đêm ở sân khấu, thì tôi đi dạy. Dạy nhạc, và tiếp tục học. Quá trình này kéo dài mười năm, kết thúc bằng cái năm tôi về viết cho Tuổi Trẻ, phỏng vấn Sting, góp phần phát hiện các tài năng nhạc trẻ—phải, đúng mười năm (1986 - 1996).

Để đứng vững, phải học. Học nhạc là tất nhiên, nhưng không chỉ bấy nhiêu.

Tôi học để có được một vốn liếng văn hóa nền đủ sâu đủ rộng ở các lãnh vực văn chương, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh. Học để hình dung ra con đường mình sẽ đi, những chướng ngại mình phải vượt. Học để tiếp cận một cách đường hoàng không mặc cảm với nghệ thuật đương đại. Và học để chống lại cái đói, cái nghèo, thiếu thốn vật chất và đam mê tội lỗi.

Năm 1997 tôi mới bắt đầu những bước chuyên nghiệp đầu tiên. Năm ấy tôi gặp Trần Thu Hà ở Hà Nội. Và một khi đã bước, thì không dừng không nghỉ một phút giây nào, đến tận giờ.




Quốc Bảo

Nguồn: Trang FB của Quốc Bảo